1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Hà Giang trả lại 18,5 tỷ đồng chi sai mục đích

Thế Kha

(Dân trí) - Hà Giang chi 18,5 tỷ đồng trích từ nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ cho 7 công trình, dự án về thủy lợi, nhà lưu trú học sinh chưa đúng mục đích.

Theo kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang (giai đoạn 2011-2017) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, UBND tỉnh Hà Giang đã chi tổng số tiền trên 18,5 tỷ đồng trích từ nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ cho 7 công trình, dự án về thủy lợi, nhà lưu trú học sinh chưa đúng mục đích, chưa phù hợp quy định.

Vì thế, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Hà Giang phải hoàn trả lại nguồn sự nghiệp môi trường số tiền này để phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, không bố trí được nguồn vốn để hoàn trả, UBND tỉnh Hà Giang báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Hà Giang trả lại 18,5 tỷ đồng chi sai mục đích - 1

Khai thác khoáng sản ở tỉnh Hà Giang (Ảnh: Nhân Dân).

Kết luận chỉ rõ, trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn 10 dự án chưa lập Đề án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; 9 dự án không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường khi hết hạn khai thác để được đóng cửa mỏ theo quy định.

Có 6/13 dự án chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, nhưng đã khai thác là vi phạm Nghị định 155/2016 của Chính phủ, gồm: Mỏ Antimon Mậu Duệ (huyện Yên Minh) của Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; Mỏ đá vôi tổ 5, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) của Công ty TNHH Hải Phú; các mỏ vàng sa khoáng Thác Lan; vàng gốc Thượng Cầu và sa khoáng Suối Bông (huyện Bắc Quang) của Công ty cổ phần đầu tư khai thác khoáng sản và xây dựng Mê Linh; mỏ Mangan Bản Sáp (huyện Bắc Mê) của Công ty TNHH đầu tư thương mại và khai thác khoáng sản; Mỏ Mangan Đội 5, xã Ngọc Linh (huyện Vị Xuyên) của Công ty cổ phần khoáng sản Ngọc Linh; Mỏ Mangan Khuôn Then (huyện Vị Xuyên) của Công ty TNHH Tây Giang.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện dự án Mỏ Mangan Khuôn Then (huyện Vị Xuyên) của Công ty TNHH Tây Giang chưa hoàn thành thủ tục đất đai (chưa có quyết định cho thuê đất, chưa có hợp đồng cho thuê đất) nhưng đã thực hiện việc khai thác, vi phạm Luật Đất đai và Luật Khoáng sản.

Hầu hết các dự án khai thác khoáng sản được kiểm tra đều không lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác. “Việc các cơ quan tài chính của tỉnh Hà Giang không theo dõi, nắm bắt, quản lý được nguồn thu các khoản đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản là chưa làm hết trách nhiệm, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm”- kết luận nêu rõ.

Tại một số dự án, việc khai thác khoáng sản chưa đảm bảo theo đúng thiết kế và biện pháp được phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Lo ngại nhất là các mỏ đá, chủ dự án không thực hiện cắt tầng khai thác theo thiết kế được phê duyệt, chưa đảm bảo điều kiện an toàn lao động cho công nhân trong quá trình khai thác, vận chuyển,…

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Hà Giang rà soát phần diện tích đất nhiều năm không sử dụng của Công ty cổ phần đầu tư khai thác khoáng sản và xây dựng Mê Linh tại dự án mỏ vàng sa khoáng Thác Lan, vàng gốc Thượng Cầu và sa khoáng Suối Bông (38 ha, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang) để xử lý thu hồi hoặc điều chỉnh giấy phép, thu hẹp diện tích đã cấp.

“Kiểm tra, xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh không khai thác theo đúng biện pháp được phê duyệt, chưa đảm bảo điều kiện về an toàn lao động theo quy định”- cơ quan thanh tra yêu cầu.