1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

“Thẩm tra ngân sách vẫn như thầy bói xem voi”

(Dân trí) - “Cách thẩm tra của Quốc hội với ngân sách giống như lúc đưa ra cái chân thì thẩm tra cái chân, đưa ra cái vòi thì thẩm tra cái vòi, chưa thẩm tra được cả con voi”, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của QH, Phùng Quốc Hiển ví von.

Ông Hiển đã ví von việc thẩm tra ngân sách “ngắn hạn” hiện nay như vậy trong buổi thảo luận của Thường vụ Quốc hội chiều 27/2, về xây dựng chương trình cho kì họp thứ 3 của Quốc hội khoá XII (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6 tới đây).

Theo tờ trình của Văn phòng Quốc hội do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày, kì họp này sẽ diễn ra từ ngày 6/5 đến 23/6. Trong đó, Quốc hội sẽ dành 27 ngày xây dựng luật, dành 10 ngày xem xét các vấn đề kinh tế- xã hội, ngân sách, giám sát chuyên đề, đọc tờ trình... Kì họp sẽ thông qua 13 luật, cho ý kiến 10 dự án luật.

Để đạt hiểu quả cao hơn, giảm bớt sự căng thẳng, mệt mỏi cho đại biểu tại kị họp, Văn phòng Quốc hội đề nghị UB Thường vụ chỉ đạo các cơ quan hữu quan cải tiến kì họp theo hướng đọc báo cáo ngắn gọn, thuyết trình có trọng tâm, trọng điểm, nhấn mạnh các vấn đề cỗt lõi cần thảo luận.

Về thời gian phát biểu tại hội trường, theo Văn phòng Quốc hội, do trình độ đại biểu được nâng lên rõ rệt, các ý kiến phát biểu được chuẩn bị kĩ nên đề nghị rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường từ 10 phút hiện nay xuống còn từ 7 đến 8 phút...

Tại buổi thảo luận của Thường vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, kì họp kéo dài 47 ngày (cả ngày nghỉ) là quá dài. Theo ông, đây là “kỉ lục” về số ngày họp và có thể gây ức chế cho các đại biểu Quốc hội.

Trong khi đó, Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiện lại dùng từ “ức chế đại biểu” để nói về việc rút ngắn thời gian phát biểu của các đại biểu xuống còn 7-8 phút. Theo ông, chỉ cần đảm bảo đại biểu chỉ sử dụng 10 phút như đang thực hiện đã rất tốt.

Liên quan đến vấn đề Quốc hội xem xét ngân sách, Chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến, vấn đề ngân sách trình ra Quốc hội phải điều chỉnh theo hướng gửi trước 70 ngày.

Theo ông, để nâng cao chất lượng xây dựng ngân sách mà cách thức tiến hành và thời gian gửi văn bản chậm như hiện nay là rất hạn chế.

Ông cũng cho rằng, tới đây luật Ngân sách phải có sự sửa đổi để có cái nhìn chung hạn về vấn đề ngân sách. Nếu chỉ xây dựng ngân sách ngân sách cho một năm thì tính toán thế nào cũng có hạn chế.

“Cách thẩm tra của Quốc hội hiện nay với ngân sách giống như lúc đưa ra cái chân thì thẩm tra cái chân, đưa ra cái vòi thì thẩm tra cái vòi, chưa thẩm tra được cả con voi”, ông Hiển ví von về việc thẩm tra ngân sách có tính ngắn hạn hiện nay.

Ông cũng cho rằng, công tác dự báo của chúng ta hiện còn hạn chế, không sát và chủ quan nên việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng bị hạn chế theo.

Về các dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần đề nghị Chính phủ có kì họp ngoài kì họp thường kì để chuẩn bị các dự án này, trước khi trình lên Thường vụ QH. “Chỉ có làm quyết liệt như vậy mới đảm bảo chất lượng xây dựng luật tại Quốc hội”, ông Lưu nhấn mạnh.

Mạnh Cường