1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tham nhũng còn nghiêm trọng nhưng xử lý chưa tương xứng!

(Dân trí) - “Việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm, có trường hợp dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Tham nhũng trong nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, nhưng việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế”.

Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước (Ảnh minh họa)
Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước (Ảnh minh họa)

Đó là đánh giá của Bộ Tư pháp trong Báo cáo số 65/BC-BTP sơ kết 3 năm thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Tư pháp, những năm qua Chính phủ, VKSND Tối cao và TAND Tối cao đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, kịp thời giải quyết các tranh chấp trong Nhân dân. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án về cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, hạn chế oan sai, tạo được những chuyển biến bước đầu quan trọng theo tinh thần của Hiến pháp...

Tuy nhiên, qua theo dõi và đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong những năm qua, Bộ Tư pháp thấy rằng ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp.

“Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn bất cập, hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật, bộ luật còn chậm, chưa đầy đủ. Tội phạm ma túy, sử dụng công nghệ cao, trộm cắp, cờ bạc, buôn lậu, mua bán phụ nữ, trẻ em, chống người thi hành công vụ, tội phạm có tổ chức, sử dụng bạo lực, cướp tài sản, giết người đặc biệt nghiêm trọng,... gây lo lắng trong nhân dân. Việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm, có trường hợp dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Tham nhũng trong nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, nhưng việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế”- Bộ Tư pháp đánh giá.

Bộ Tư pháp dẫn chứng báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 cho thấy, ngành Thanh tra đã triển khai trên 6.500 cuộc thanh tra hành chính, 116.300 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị thu hồi trên 52.200 tỷ đồng và gần 1.800 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trên 14.400 tỷ đồng, 824 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 1.900 tập thể, 14.300 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ, 50 đối tượng...

Bên cạnh đó, số liệu của Báo cáo số 552/BC-CP về công tác bồi thường nhà nước năm 2015 cho thấy, số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật trên 16,4 tỷ đồng (trong đó riêng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Bắc Giang số tiền phải bồi thường là 7,2 tỷ đồng). Bên cạnh việc giải quyết bồi thường tại các cơ quan có trách nhiệm bồi thường, TAND các cấp đã thụ lý 21 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước (các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết), đã giải quyết xong 14 vụ việc, với số tiền trên 26 tỷ, còn 7 vụ việc đang giải quyết.

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp nhận định, số phạm nhân, người bị tạm giam, tạm giữ chết do tự tử, đánh nhau, vi phạm nội quy, phạm tội mới trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chưa giảm nhiều. Công tác thi hành hình phạt không phải là phạt tù chậm chuyển biến, vi phạm hành chính vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, diễn ra trên mọi lĩnh vực, trên khắp các địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng hành vi vi phạm hành chính rất lớn; tranh chấp, khiếu kiện của người dân, doanh nghiệp có xu hướng gia tăng.

“Tình hình tuân thủ pháp luật nêu trên đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp”- Bộ Tư pháp đánh giá.

Tăng cường giám sát lĩnh vực nóng, có nhiều vi phạm

Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát, nhất là giám sát theo chuyên đề đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước có nhiều vướng mắc trong thể chế cũng như trong tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng những lĩnh vực “nóng”, có nhiều vi phạm pháp luật nổi lên trong thời gian qua như buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn giao thông, khai thác khoáng sản….

Theo số liệu thống kê, từ năm 2013 đến tháng 8/2015, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước đã tiếp nhận, xử lý gần 2.000 lượt thông tin về tình hình thi hành pháp luật. Nếu như trong năm 2013, việc xử lý thông tin tình hình thi hành pháp luật của các địa phương vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu chỉ tập trung vào các hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật thì trong năm 2014, các địa phương đã xử lý trên 1.600 lượt thông tin về tình hình thi hành pháp luật, trong đó đã xử lý trên 1.200 thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè.

Thế Kha