1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tăng trưởng thành vô nghĩa khi phải quay lại khắc phục môi trường

(Dân trí) – Thảo luận về kết quả giám sát về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề sáng 29/9, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Trần Văn Hằng cảnh báo, nếu để 5-7 năm sau phải quay lại xử lý môi trường ô nhiễm, lượng tăng trưởng đem lại trước đó là vô nghĩa.

Nội dung này nằm trong chương trình giám sát tối cao của QH, được tiến hành từ đầu năm 2011. Đoàn giám sát đã làm việc với lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan; làm việc với 19 tỉnh, thành phố; khảo sát 15 khu kinh tế ven biển và 54 làng nghề.

“Điểm danh” thủ phạm gây ô nhiễm
Tăng trưởng thành vô nghĩa khi phải quay lại khắc phục môi trường - 1
Hơn 3500 làng nghề mỗi năm đem lại giá trị xuất khẩu chỉ hơn 1 tỷ USD.

Đoàn giám sát khái quát, rất ít khu kinh tế có khu xử lý nước thải tập trung hoặc có nhưng hiệu quả hoạt động hạn chế. Có nơi hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra.

Môi trường đất, môi trường không khí bị ô nhiễm cục bộ ở các mức độ khác nhau do các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, san lấp mặt bằng, đặc biệt ở những nơi có các nhà máy xi măng, hóa chất, điện, chế biến thực phẩm…

Nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị điểm đích danh như: chế biến gỗ, thực phẩm, giày da, điện – điện tử, ác quy, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm nhựa, vật liệu xây dựng, sắt, thép, hóa chất… Những loại chất thải nguy hại phát sinh từ khu vựa này hiện nay vẫn đang tập kết tại cơ sở sản xuất, chờ xử lý.

Đối với hơn 3.500 làng nghề (thu hút hơn 11 triệu lao động), nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là một trong những thách thức lớn. Ô nhiễm chất hữu cơ tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ là loại hình sản xuất có nhu cầu nước lớn và nước thải có độ ô nhiễm hữu cơ cao.

Ô nhiễm chất vô cơ tại các làng nghề tái chế kim loại có hàm lượng kim loại nặng độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Chất thải tại các làng nghề vẫn chưa được thu gom xử lý mà xả ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và nguồn nước tại nhiều địa phương.

Thời gian gần đây, nhiều làng nghề rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao.

Trả giá cho phát triển kiểu “mạnh ai nấy làm”
Tăng trưởng thành vô nghĩa khi phải quay lại khắc phục môi trường - 2
Nhiều sông hồ bị "đầu độc" vì nguồn xả thải từ khu kinh tế, làng nghề.

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu nguyên nhân ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì sự phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, theo kiểu “trăm hoa đua nở”, “mạnh ai nấy làm”, thiếu quy hoạch, buông lỏng quản lý… tất yếu dẫn đến hệ quả. Chạy theo phát triển kinh tế, ở nhiều địa phương, tỉnh đùn đẩy trách nhiệm cho huyện, huyện đùn đẩy xã, xã lại không đủ kinh phí, nhân lực…

Ông Hiển cảnh báo, cần định hướng lại sự phát triển “nhanh và bền vững hay bền vững, đi vào chiều sâu”, vì phát triển bằng mọi giá sẽ phải trả giá.

Chủ nhiệm UB Đối ngoại Trần Văn Hằng phân tích thêm, các khu kinh tế, làng nghề đang trực tiếp đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, nếu để 5-7 năm sau phải quay lại xử lý môi trường ô nhiễm thì lượng tăng trưởng đem lại trước đó hoàn toàn không có ý nghĩa.

Tán thành việc phải sắp xếp lại làng nghề nhưng ông Hằng đề nghị không nên tập trung những làng nghề ô nhiễm vào một chỗ, vì làng nghề vốn gắn với truyền thống làng xã nếu dồn lại sẽ làm mất sự sáng tạo, sức sống của làng nghề.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại tỏ ra bức xúc trước nhận xét, quản lý nhà nước về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề kém hiệu quả vì thiếu “nhạc trưởng”. Bà Mai khẳng định, không thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bà Mai đề nghị cần xét nghiên cứu đưa ra 1 nhóm giải pháp xử lý theo lộ trình có bước đi của Chính phủ trong giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường tạo lòng tin của người dân ở khu vực ô nhiễm vào thực hiện giải quyết ô nhiễm môi trường của Chính phủ.

P.Thảo