1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tăng giá VLXD: Thà chịu phạt còn hơn xây tiếp

(Dân trí) - "Giá vật liệu xây dựng (VLXD) tăng nhiều công trình đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tiến độ. Chưa hết một số nhà thầu bị lỗ nặng, có nhà thầu buộc phải chọn giải pháp chấp nhận chịu phạt vì càng làm thì càng lỗ hơn".

Ông Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này. Ông Khoa khẳng định: Nguy cơ phá sản thực sự chứ không phải là thổi phồng.

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh giá các gói thầu cho linh hoạt theo giá mới. Theo nhận định của ông, quyết định này có tác động như thế nào tới thị trường xây dựng?

Tôi cho rằng Chính phủ đã rất thông cảm và hiểu cho các nhà thầu. Bởi về mặt lý mà nói, nếu anh đã ký hợp đồng trọn gói thì không được điều chỉnh. Hợp đồng trọn gói là lời ăn lỗ chịu.

Trên thực tế, nhiều địa phương giao thầu theo kiểu trọn gói. Và các nhà thầu thấy rằng như vậy cũng tiện. Nhưng đó là thời điểm giá cả vật liệu không tăng. Còn trong tình hình như hiện nay thì càng làm càng lỗ. Bởi vậy mới có hiện tượng nhà thầu bỏ của chạy lấy người.

Theo ghi nhận của ông, có nhiều dự án bị đình trệ không?

Có dự án bị đình trệ, chậm lại cũng có. Có những dự án chịu phạt để đỡ lỗ hơn. Đặc biệt ở các địa phương, nhiều địa phương gọi điện cho tôi nói rằng chúng tôi phải tính chuyện ngừng thi công để chịu phạt còn hơn là lỗ, bởi tính ra lỗ còn nhiều hơn phạt.

Đối với những dự án thuộc ngân sách nhà nước, khi nhà thầu bỏ thì sẽ ảnh hưởng thế nào?

Nếu họ bỏ, dự án không hoàn thành, công trình đóng cửa tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư.

Hoặc họ phải làm chậm lại, thậm chí có cả hiện tượng người ta bớt xén vật liệu khi thấy lỗ quá, hay thay đổi vật liệu từ loại này sang loại khác có chất lượng kém hơn. Đây là một thực tế.

Việc tăng giá vật liệu xây dựng có thể dẫn đến nguy cơ những công trình thi công trong giai đoạn rất khó khăn này sẽ không đảm bảo chất lượng?

Việc này đòi hỏi các cơ quan giám sát thi công trong công trình phải làm việc và không để như vậy.

Tất nhiên nếu chủ quan, cơ quan giám sát vắng mặt giám định ở những chỗ nào khuất như đổ bê tông có thể ảnh hưởng tới chất lượng.

Những địa phương nào đã phàn nàn đến chuyện các dự án bị ngưng trệ?

Tôi nhận nhiều cú điện thoại từ các tỉnh từ Hà Nam, Ninh Bình, Trà Vinh, Ninh Thuận... riêng với Hà nội và TPHCM thì liên tục. Phần lớn họ đều hỏi đến hướng xử lý như thế nào.

Ngoài những yếu tố chi phí đầu vào là nguyên nhân dẫn đến vật liệu xây dựng tăng giá thì cách điều hành của Chính phủ liệu đã hợp lý chưa khi giá vật liệu xây dựng liên tục tăng?

Tôi nghĩ là Chính phủ cũng không có cách nào bởi theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu lên thì kéo theo hết.

Bên cạnh đó, giá phôi thép tăng trong khi phôi thép của ta nhập từ nước ngoài thì việc các doanh nghiệp trong nước phải tăng là tất yếu.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương (ghi)