1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo

(Dân trí) - “Chúng ta có 90 triệu dân nhưng mới chỉ có 6.700 luật sư, tập trung chủ yếu ở thành thị. Vì vậy hoạt động hỗ trợ tư pháp nói chung đang còn thiếu, đặc biệt là đối với những người nghèo, người các dân tộc vùng sâu vùng xa”.

Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại “Hội nghị về phối hợp trong công tác bảo trợ tư pháp cho người nghèo” do Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 15/12.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho biết, mặc dù hội mới đi vào hoạt động chưa lâu (6/5/2011) nhưng đến nay Hội đã thành lập được 6 trung tâm bảo trợ nhằm trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ, tư vấn chế độ chính sách, cung cấp thông tin và hỗ trợ tìm mộ liệt sĩ miễn phí; trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em... và nhiều hoạt động hoàn toàn miễn phí khác.
 
Về cơ bản tại các tỉnh thành trong cả nước hội đã có các hội viên sẵn sàng tham gia công tác hỗ trợ pháp lý cho người dân khi có yêu cầu được giúp đỡ. Trong thời gian tới, Hội sẽ thành lập thêm 19 trung tâm tại những khu vực còn khó khăn với sự giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; xây dựng mối quan hệ chiều dọc với các sở tư pháp, đoàn luật sư, các hội nghề nghiệp trong cả nước để đạt hiệu quả hỗ trợ pháp lý cao cho người dân.
 
Do hội hoạt động phi lợi nhuận nên để hoạt động được tốt, Hội mong muốn các cơ quan truyền thông báo chí sẽ đồng hành trong việc thông tin các vụ việc vướng mắc, bị bao che liên quan đến người nghèo, đối tượng chính sách, nhóm yếm thế trong xã hội, tạo cho dư luận hướng nhìn khách quan, đa chiều trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó là đẩy mạnh truyền thông giáo dục pháp luật, thông tin về các hoạt động bảo trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, đưa tin về các vụ việc vi phạm pháp luật...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao họat động của Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã hoạt động sôi nổi và thiết thực trong thời gian qua. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc giúp đỡ cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020… Qua việc trợ giúp pháp lý, người dân hiểu được quyền lợi của mình và pháp lý của nhà nước quy định.

“Chúng ta có 90 triệu dân nhưng mới chỉ có 6.700 luật sư, tập trung chủ yếu ở thành thị. Vì vậy hoạt động hỗ trợ tư pháp nói chung đang còn thiếu, đặc biệt là đối với những người nghèo, người các dân tộc vùng sâu vùng xa”, Phó Thủ tướng nói.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hoạt động của Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam mang ý nghĩa xã hội và nhân văn rất lớn, rất cần sự góp sức chung tay của chính quyền các địa phương cùng các cơ quan ban ngành, đoàn thể. Trong thời gian tới, Hội cần hoạt động tích cực hơn trong việc hỗ trợ tư pháp cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Cần phối hợp và liên kết với các cơ quan thực thi pháp luật để hoạt động có hiệu quả, tăng cường bồi dưỡng năng lực và đạo đức của hội viên nhằm nâng cáo chất lượng hoạt động tư pháp, hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Công Quang