1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tâm sự của những “bông hồng vàng” tại các nút giao thông

(Dân trí) - “Phải đứng trên bục điều tiết giao thông là 1,5 tiếng mỗi ca nên rất mỏi; không dám nhìn lâu vào dòng phương tiện lưu thông vì dễ bị chóng mặt; mọi ánh mắt người đi đường đổ dồn vào mình nên cũng hơi ngại…” – đó là những chia sẻ của nữ CSGT Hà Nội.

Theo kế hoạch 03, Phòng CSGT Hà Nội yêu cầu điều các nữ CSGT vào giờ cao điểm (sáng và chiều) ra đứng bục điều tiết tại các nút giao thông, cùng với nam CSGT để tạo hình ảnh thay đổi, giúp người đi đường “mát mắt” hơn khi nhìn vào lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

Cũng từ đó, bất kể thời tiết giá rét cắt da cắt thịt, hay những ngày hè oi bức như thiêu đốt, hàng ngày, tại các chốt giao thông quan trọng trên địa bàn Hà Nội đều có những nữ chiến sĩ CSGT xinh đẹp, rất thuần thục chuyên môn đứng trên bục chỉ huy điều khiển giao thông. Họ là những “bông hồng vàng” của lực lượng CSGT Hà Nội.

Nhìn lâu vào dòng phương tiện… dễ bị chóng mặt

Trung úy CSGT Trịnh Thị Lan Anh (27 tuổi), hiện đang công tác tại đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi như vậy khi phải làm nhiệm vụ đứng trên bục vào giờ cao điểm để điều tiết giao thông.

Trung úy CSGT Trịnh Thị Lan Anh trao đổi với PV Dân trí

Trung úy CSGT Trịnh Thị Lan Anh trao đổi với PV Dân trí

Được đào tạo rất căn bản 5 năm trong trường Học viện Cảnh sát Nhân dân, ra trường năm 2012, Lan Anh nhận nhiệm vụ tại đội CSGT số 7. Tuy nhiên, theo Lan Anh, thời gian đào tạo trong trường là chưa đủ, vì thực tế công việc khác rất nhiều so với kiến thức đã học, nhất là với nữ chiến sĩ này, chị nhận nhiệm vụ công tác đúng thời điểm Công an TP Hà Nội có kế hoạch điều nữ CSGT ra đứng bục tại các nút giao thông quan trọng.

Trung úy Lan Anh đang làm nhiệm vụ tại nút giao thông vào giờ cao điểm

Trung úy Lan Anh đang làm nhiệm vụ tại nút giao thông vào giờ cao điểm

Trịnh Thị Lan Anh chia sẻ: “Ra tết năm 2012, khoảng tháng 1 dương lịch, CSGT Hà Nội làm lễ ra quân bố trí nữ CSGT ra đứng bục tại các nút giao thông. Em cũng là người ra quân nhận nhiệm vụ đợt đó. Mặc dù trong trường có môn học là Điều khiển giao thông nhưng thực tế hôm đó em cũng thấy rất bỡ ngỡ, may được các đồng nghiệp nam hỗ trợ rất nhiều. Mỗi một ca đứng điều khiển trên bục là 1,5 tiếng; mùa đông, sáng từ 7h-8h30, chiều từ 16h-17h30 đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6. Ban đầu đứng không quen rất mỏi chân, thường bị chùn chân vì đồng phục là giày cao gót, phải đổi chân liên tục. Mặc dù mỏi nhưng theo quy định, người làm nhiệm vụ vẫn phải giữ đúng tác phong CSGT. Em không dám nhìn lâu, nhìn gần vào dòng phương tiện lưu thông vì dễ bị chóng mặt”.

Trung úy Trịnh Thị Lan Anh cho biết thêm, ngoài việc phải khắc phục tốt về vấn đề sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ, còn phải phối hợp ăn ý với đồng nghiệp, nếu chỉ cần 1 thao tác “lệch” nhau sẽ dẫn đến xung đột giao thông. Các chiến sỹ CSGT phải hiểu nhau, có thể dùng ám hiệu riêng, nhưng quan trọng nhất vẫn là bộ đàm. Khi có ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông các CSGT sẽ dùng bộ đàm liên lạc với nhau và chỉ được dùng bộ đàm phục vụ cho công việc.

“Em về công tác tại đội 7, sau 1 thời gian ngắn là lập gia đình ngay, nên chưa cống hiến được nhiều. Những hôm đến ca đứng bục, sáng phải dậy khá sớm, chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, chăm con rồi lại vội đi làm. Chiều về khá muộn, nhiều lúc nghĩ thương con vì mình đi suốt ngày. Nhưng cũng may em có ông bà lên chăm sóc cháu giúp. Trong quá trình làm nhiệm vụ, người dân hỏi đường, em vẫn giúp đỡ hay trường hợp có sự cố, chúng em cũng dừng làm nhiệm vụ đến hỗ trợ. Cách đây khoảng 1 tháng, có 1 phụ nữ mang thai đi xe máy ngược chiều do đường có nhiều sỏi đá vương vãi nên chị này bị ngã, em chạy đến giúp chị ấy và nhắc ấy lần sau đi cẩn thận, không đi ngược chiều, sẽ rất nguy hiểm” – Trung úy Lan Anh kể lại những chuyện nghề.

Rất ngại vì hàng trăm ánh mắt… đổ dồn vào mình

Đó là chia sẻ của nữ CSGT trẻ Nguyễn Thị Kim Anh (23 tuổi), cấp bậc Thượng sỹ, hiện đang công tác tại đội CSGT số 2 (Công an TP Hà Nội) khi nói về những ngày đầu tiên đứng trên bục điều tiết giao thông.

Thượng sỹ CSGT Nguyễn Thị Kim Anh đang điều tiết giao thông...

Thượng sỹ CSGT Nguyễn Thị Kim Anh đang điều tiết giao thông...

“Từ khi có Kế hoạch 03 của Phòng CSGT Hà Nội, bọn em cũng ra đứng bục luôn. Em ra đứng bục từ những ngày đầu tiên, ban đầu thấy rất bỡ ngỡ, cảm thấy rụt rè và mang một chút lo sợ. Là nữ nên bao nhiêu ánh mắt người đi đường nhìn vào, ban đầu thấy lạ, mọi người càng... soi kỹ. Em thấy rất ngại, nhưng vẫn cố gắng giữ đúng tác phong của CSGT khi làm nhiệm vụ, cố gắng vượt qua cảm giác "nhồn nhột" ban đầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ” – Thượng sỹ Nguyễn Thị Kim Anh nói.

Thượng sỹ Kim Anh vui vẻ chia sẻ thêm, bên cạnh sự vất vả và những ánh mắt nhìn làm các nữ CSGT ngại ngùng, thì họ cũng nhận được rất nhiều lời động viên của người đi đường. Nhiều người hỏi han ân cần như “Cháu có mệt không”, “Cố lên cháu nhá”… hay những em bé được bố mẹ đèo qua đã hồn nhiên cất tiếng chào “Cháu chào cô CSGT ạ!”. Đó là một “liều thuốc” tinh thần rất lớn giúp các nữ CSGT hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng gặp một số khó khăn tương tự như Trung úy Lan Anh, Kim Anh nói về những áp lực khác trong công việc của ngành như, ngoài thời gian đứng bục điều tiết giao thông, các nữ CSGT còn phải xử lý một khối lượng văn bản, giấy tờ rất lớn; do làm về luật, nên phải nắm rất rõ các biên bản, các qui định… sao cho khi in ra các quyết định xử phạt phải rất chính xác, không được phép nhầm lẫn... Điều này cũng làm những “bóng hồng vàng” rất căng thẳng trong công việc hành chính.

Đường phố bắt đầu lên đèn, dòng người và phương tiện đang hối hả trở về nhà sau một ngày làm việc. Đó cũng là lúc những “bóng hồng vàng” đang miệt mài điều tiết giao thông để giúp người đi đường trở về với mái ấm của mình được nhanh chóng và bình yên...

Nguyễn Dương