1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tạm dừng đưa lao động sang Libya

(Dân trí) - Trước các diễn biến phức tạp tại Libya, Cục Quản lý lao động ngoài nước quyết định tạm dừng đưa lao động sang thị trường này. Nếu tình hình tiếp tục xấu, căng thẳng, Chính phủ sẽ dùng phương án đón lao động Việt về nước.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) Nguyễn Ngọc Quỳnh thông báo, cho đến khi tình hình tại Libya ổn định phía Việt Nam sẽ tạm ngừng xuất khẩu lao động. Trong thời gian này, với những lao động đã hoàn tất thủ tục, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo rõ để người lao động chờ đợi hoặc bố trí cho họ đi làm việc ở các thị trường khác nếu lao động có nhu cầu.

Riêng những lao động đã tuyển chọn, DN vẫn có thể duy trì các hoạt động đào tạo nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi như bình thường. Đối với số lao động đang làm việc ở Libya, Cục chỉ đạo các DN phải  theo dõi và bám sát tình hình, nếu thấy nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, công việc, thu nhập của họ, phải báo cáo kịp thời cho Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý.

Trong lúc các doanh nghiệp đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đối tác để đảm bảo an toàn và đời sống cho người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các cơ quan có liên quan cũng đa đưa ra giải pháp đối với các tình huống xấu có thể xảy ra trình các cấp có thẩm quyền để triển khai khi cần thiết. Cụ thể, nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu, căng thẳng, Chính phủ sẽ phải can thiệp đưa máy bay sang Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để đón lao động về nước (được di chuyển bằng đường biển từ Libya đến địa phận các nước này rồi chuyển tiếp lên máy bay).

Hiện các công ty có nhiều lao động đang làm việc tại Lybia như SONA, Vinaconex Mec, Việt Thắng… cũng đang tích cực phối hợp với chủ sử dụng lao động để phối hợp đảm bảo lương thực, thực phẩm và an toàn cho lao động. Theo Ban Quản lý LĐVN tại Libya,  riêng năm 2010, có 5.242 lao động Việt Nam được đưa sang Libya làm việc, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại quốc gia Bắc Phi này lên 9.840 người, chủ yếu  làm việc ở lĩnh vực xây dựng với mức lương khoảng  400 - 500 USD/người/tháng.

 P. Thanh