1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tai nạn liên quan xe biển xanh: Hành hung phóng viên vì tưởng… cướp (!?)

(Dân trí) - Chiều qua 13/12, Công an TP Cần Thơ đã họp thông báo kết quả xác minh vụ phóng viên Nguyễn Đức Khánh, Báo Nông Thôn Ngày Nay, bị hành hung khi tác nghiệp trong một vụ tai nạn liên quan đến xe biển xanh trên đường Trần Văn Khéo.

Theo báo cáo của Công an quận Ninh Kiều, vào khoảng 20h30 ngày 24/11, ông Nguyễn Văn Hải Âu, cán bộ lái xe phòng Hậu cần (PH45) Công an TP Cần Thơ được phân công làm nhiệm vụ trên chiếc xe mang biển kiểm soát 65E-8999. Khi đến đường Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, thì va chạm với mô tô mang biển kiểm soát 65P8-3876 do ông Trần Hữu Lễ điều khiển, chở Huỳnh Phú Sang cùng ngụ ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ.

Lúc đó ông Âu điện thoại cho ba cán bộ phòng Hậu cần gồm ông Trần Thanh Tiến - Phó đội trưởng đội xe, ông Nguyễn Đông Sơ và ông Nguyễn Quốc Tuấn, đến hiện trường. Lúc này, ông Trần Hữu Lộc - cán bộ đội xe tình cờ đi ngang qua - cũng dừng lại tham gia giải quyết. Thấy người dân hiếu kỳ vây quanh chụp ảnh, quay phim, nên các cán bộ này lấy giấy dán kín biển số vì sợ ảnh hưởng đến uy tín công an. Ông Lộc và Sơ đã tước máy chụp hình trên tay PV Đức Khánh, lấy luôn điện thoại trong túi PV để “kiểm tra”, xóa ảnh. Sau đó, 2 người này trả lại phương tiện tác nghiệp cho PV.

Cũng theo báo cáo của cơ quan công an, trong lúc đó, 3 đối tượng là dân thường thấy phóng viên chụp hình, cho rằng chụp cả mình nên rượt đánh anh Khánh. Tuy nhiên, theo xác minh của phóng viên Dân trí, bước đầu xác định nhân thân của 1 trong 3 đối tượng tham gia rượt đuổi phóng viên Đức Khánh là đối tượng dính đến tệ nạn, đang bị địa phương giám sát và “quản lý”!

Trong quá trình xảy ra xô xát, một người tên Thành lại tưởng anh Khánh là… cướp nên xông ra xô anh Khánh ngã xuống đường. Báo cáo cho rằng: Khi xảy ra tai nạn, có một số người tự xưng là phóng viên có hành vi cự cãi với lực lượng dân phố bảo vệ hiện trường, không xuất trình giấy tờ, gây cản trở giao thông, làm nhiều người bức xúc nên… đánh (?). Những hành động bộc phát này không liên quan gì đến công an! 

Báo cáo cũng nêu rõ: Nguyễn Đông Sơ và Nguyễn Hữu Lộc (hai công an phòng Hậu cần) đã trả lại máy ảnh và điện thoại cho anh Khánh, không có hành vi hay lời nói gì xúc phạm sức khoẻ, danh dự cho anh Khánh. Việc làm của hai đồng chí Sơ và đồng chí Lộc là đúng với trách nhiệm của người chiến sĩ công an nhưng cách thực hiện chưa được khéo léo tế nhị. 
 
Nhiều phóng viên tham dự buổi họp đặt câu hỏi: Việc bảo vệ hiện trường, xem xét giấy tờ và giật phương tiện tác nghiệp của phóng viên có phải là trách nhiệm của nhân viên phòng Hậu cần trong việc giải quyết tai nạn giao thông? Hành vi tháo, dán biển số xe khi có tai nạn giao thông có đúng với quy định của pháp luật? Khi xe của lực lượng công an có xảy ra sự cố, công an có quyền giật máy ảnh, tịch thu điện thoại và tra hỏi bất cứ người dân nào?
 

Ông Bùi Phụ - Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông Thôn Ngày Nay tại ĐBSCL - khẳng định, PV Đức Khánh tác nghiệp đúng luật báo chí, đúng theo sự phân công của cơ quan; không có chuyện phóng viên “cự cãi” như báo cáo nêu. “Phóng viên Đức Khánh bị một nhóm người rượt đuổi đánh đập ngay giữa trung tâm TP Cần Thơ, tại hiện trường có rất nhiều lực lượng chức năng nhưng không ai can thiệp, tôi cảm thấy quá bất an”, ông Phu bất bình.

 

Ngay trong bản báo cáo cũng có nhiều điểm mâu thuẫn: Khi lý giải việc vì sao không can thiệp khi phóng viên bị hành hung, cơ quan công an cho rằng “Phải tập trung khám nghiệm hiện trường và điều tiết giao thông nên không biết”.

 

Để làm rõ vấn đề công an có nhìn thấy vụ phóng viên Đức khánh bị đuổi đánh hay không, tại buổi họp báo, phóng viên Phương Nguyên (báo Tuổi trẻ TPHCM) đặt câu hỏi: Vị trí của phóng viên Đức Khánh đứng lúc xảy ra vụ rượt đánh là ở chỗ nào, cách hiện trường vụ tai nạn giao thông bao nhiêu mét? Câu hỏi này không được trả lời tại cuộc họp báo khiến cho “sự thật” trong bản báo cáo bị nghi ngờ!

 

Thực tế, nhiều nhân chứng và tường trình của phóng viên Đức Khánh cho thấy vị trí đứng của phóng viên khi bị rượt đánh chỉ cách hiện trường vụ tai nạn vài mét. Lúc đó lực lượng công an đang làm nhiệm vụ tại hiện trường rất đông. Sau khi bị rượt đánh, phóng viên Khánh mới bỏ chạy một đoạn 50m và bị đối tượng tên Thành đạp té ngã. Như vậy thời điểm bắt đầu xảy ra vụ việc là ngay tại hiện trường vụ tai nạn giao thông, trong khi báo cáo của Công an quận Ninh Kiều chỉ đề cập đến thời điểm lúc anh Khánh bị té ngã cách hiện trường 50m. Dựa vào đây để cho rằng lực lượng công an tại hiện trường vụ tai nạn không nhìn thấy vụ việc là chưa thỏa đáng.

 

Với câu hỏi: Vì sao không xử lý người say rượu gây tai nạn? Tại sao ngay hôm sau (sáng chủ nhật 25/11) đã cho xe ô tô vào ga ra sửa chữa (đồng thời dán biển số thêm lần nữa)? Cơ quan công an trả lời: “Đây là vụ va chạm nhỏ nên để hai bên tự thoả thuận” (?)

 

Đại tá Nguyễn Hùynh Trảng cho biết: “Trong vụ này chúng tôi đã chỉ đạo điều tra rất kỹ, cương quyết không bao che, sẽ kiểm điểm hai người có hành vi giật phương tiện tác nghiệp của phóng viên và có thể hạ bậc thi đua”.

 

 Sáng 14/12, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - qua điện thoại về để hẹn làm việc. Ông Sơn cho biết đang đi công tác và chưa nhận được báo cáo của Sở Công an.

 

Hoàng Tùng - Huỳnh Hải