1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tai nạn lao động - S.O.S!

Từ đầu năm 2005 đến nay đã có 13 vụ tai nạn lao động làm chết người, trong đó có 4 người chết ngay trong Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 7 diễn ra vào trung tuần tháng Ba. Bất chấp nhiều lời cảnh báo đã được đưa ra, số vụ tai nạn chết người vẫn không có dấu hiệu suy giảm.

Tai nạn: Mọi lúc, mọi nơi

 

Lần theo “nhật ký” của Đoàn Điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) TPHCM, mới thấy nhiều tai nạn rất thương tâm, không đáng có. Cái chết tức tưởi của công nhân (CN) Huỳnh Long Hiền (Công ty Dịch vụ Công ích quận 4) là một ví dụ. Khi xúc rác lên xe, một thanh gỗ làm gàu xúc không hoạt động được, Hiền đã không chống đỡ hai bên gàu xúc trước khi dùng búa đập văng thanh gỗ này, khiến gàu xúc sập xuống kẹp chết chính mình.

 

Cũng oái oăm như thế, CN Bùi Văn Tùng (cơ sở Thiên Phú Thịnh) khi đang sử dụng thang vận chuyển vải lên lầu, lại thò đầu ra ngoài nên bị thanh sắt chắn ngang kẹp chết. Tại xưởng Wash của dệt Phước Long, khi máy vắt ly tâm chưa dừng hẳn, CN Trần Thanh Vũ đã thò tay lấy sản phẩm ra, bị máy cuốn chết. Cũng vì chủ quan như thế mà số TNLĐ về điện tăng vọt: số vụ chết người vì điện trong 9 tháng đầu năm 2004 bằng cả năm 2003.

 

Ông Huỳnh Tấn Dũng, Trưởng ban Thanh tra Kỹ thuật an toàn- BHLĐ (Sở LĐ-TBXHTP) nhận định, số người chết do TNLĐ không giảm, tập trung ở hàng chục ngàn nhóm thầu xây dựng, cơ sở sản xuất nhỏ dưới 50 CN. Thực tế, số vụ TNLĐ còn cao hơn nhiều do các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo; chỉ báo khi xảy ra chết người; thậm chí còn giấu thông tin về TNLĐ, nên cơ quan chức năng không thể xử lý được.

 

Trưởng ban Nữ công LĐLĐTP Mai Thị Bích Vân bức xúc: danh sách CN bị chết vì TNLĐ cứ ngày càng dài thêm, đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh khốn khổ khi mất đi trụ cột mưu sinh. Những người may mắn sống sót thì phải đối diện với sự tàn phế, suy giảm khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội - thậm chí, nhiều nữ CN thương tật đã tan vỡ hạnh phúc gia đình.

 

Theo thống kê, có đến 70% người bị TNLĐ mất việc do không được tái ký hợp đồng, điều trị quá thời gian quy định, sức khỏe kém dù theo quy định, sau khi điều trị ổn định thương tật họ phải được bố trí công việc phù hợp với sức khỏe để tiếp tục làm việc. Nếu mức bồi thường được tính đến thời điểm nghỉ hưu chắc sẽ giảm bớt gánh nặng trong việc duy trì cuộc sống của họ.

 

Doanh nghiệp thờ ơ, người lao động lơ là …

 

Hiện nay, sự tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ ở các doanh nghiệp (DN) vẫn không thể kiểm soát được, nhất là ở DN vừa và nhỏ. Để giảm chi phí vì lợi nhuận trước mắt, nhiều DN thường bỏ qua khâu tập huấn kỹ thuật an toàn lao động, chưa xây dựng quy trình vận hành, bảo đảm an toàn cho từng loại máy móc, thiết bị và cải thiện môi trường.

 

Chủ yếu họ chỉ chăm bẵm vào việc tăng năng suất và khi xảy ra TNLĐ, chủ DN luôn đổ cho CN là làm sai nguyên tắc an toàn mà không tính đến trách nhiệm của mình. Cái chết của CN Võ Văn Tài (Công ty TNHH Lê Phú- KCN Lê Minh Xuân) do vận hành nồi hơi sấy lông gà, lông vịt làm thức ăn gia súc của DN tự chế tạo mà không kiểm định và đăng ký là một một dẫn chứng.

 

Với lực lượng thanh tra chỉ đếm trên đầu ngón tay, chế tài chưa đủ mạnh, việc xử lý trách nhiệm của chủ DN luôn tỉ lệ nghịch với số vụ TNLĐ không ngừng gia tăng. Trong năm 2004, chỉ có 1/561 vụ TNLĐ chết người bị đưa ra tòa, còn lại đều xử lý hành chính hoặc tổ chức hòa giải. Sự buông lỏng trong quản lý nhà nước cũng đã “giúp” nhiều DN tìm cách lách luật- thậm chí “chạy thuốc” để giảm hoặc không phải trả chi phí bồi thường, thuốc men và “nhường” phần thiệt hại cho CN. Có DN thì chi ngay một số tiền tượng trưng để CN khỏi khiếu nại. Thực tế, nhiều CN cũng không rành các thủ tục yêu cầu bồi thường nên nhận số tiền này với ý nghĩ “có còn hơn không”.

 

Về phía CN, ngoài yếu tố trình độ có hạn, thiếu ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, họ cũng bất cẩn, không biết tự bảo vệ bản thân. Vì miếng cơm manh áo, họ phải chấp nhận làm việc trong những điều kiện lao động đầy rủi ro, không đảm bảo an toàn thay vì từ chối theo qui định của pháp luật.

 

Ông Huỳnh Tấn Dũng cho biết, trong năm qua đã có 22 DN bị đề nghị xử phạt hành chính trên 100 triệu đồng vì không thực hiện công tác bảo hộ lao động, 6 DN bị đề nghị khởi tố nhưng tình hình chưa được cải thiện. Nên chăng, phải tính tới việc không cấp phép hoạt động cho những đơn vị chưa thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động.

 

Để ngăn chặn TNLĐ từ gốc, theo bà Dương Thị Kim Loan, CN cần làm đúng quy trình, biết tự bảo vệ bản thân, và kiên quyết đề nghị chủ DN khắc phục những nguy cơ gây ra tai nạn. Về phía DN, ngoài việc quan tâm xây dựng mạng lưới an toàn- vệ sinh viên chuyên nghiệp, huấn luyện nội dung an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)cho CN, thiết lập nội quy vận hành an toàn cho từng loại máy móc, thiết bị, chủ DN cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác ATVSLĐ. Đây phải là công việc thường trực mọi lúc, mọi nơi trong quá trình sản xuất.

 

Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ diễn ra hàng năm thật ra chỉ là một trong những giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ DN và giúp CN chủ động phòng ngừa TNLĐ. Ước tính thông tin về BHLĐ trong năm qua chỉ “thẩm thấu” vào 1/3 số người được tuyên truyền. Thực tế, nếu đôi bên đều nhận thức đúng về AT-VSLĐ, tai nạn sẽ chỉ dừng ở mức nguy cơ.

 

Theo Quang Trưởng
Sài gòn giải phóng