1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tài liệu thanh tra đừng đem về... bỏ tủ!

(Dân trí) - Tại cuộc họp bàn về công tác thanh tra, kiểm tra năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu thanh tra, kiểm tra cần xác định rõ các sai phạm, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; giải quyết được các vấn đề bức xúc của người dân.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Monre.gov.vn)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Monre.gov.vn)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải quán triệt quan điểm coi thanh tra, kiểm tra là công việc ưu tiên hàng đầu và phải đặc biệt quan tâm, chỉ đạo trong thời gian tới.

Nhấn mạnh thanh tra, kiểm tra là công cụ sắc bén của công tác quản lý nhà nước, góp phần bổ sung, hoàn thiện và đưa nhanh chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của người dân, nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc, hạn chế như: Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thuộc Bộ, giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành và giữa các cơ quan ở Trung ương với địa phương; kết quả thanh tra, kiểm tra chưa gắn với công tác hoạch định chính sách, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Để khắc phục hạn chế và giải quyết được những vấn đề bức xúc của người dân, ông Hà yêu cầu đối tượng thanh tra, kiểm tra phải được rà soát, lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo đúng đối tượng, không trùng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được đổi mới để trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thanh tra, kiểm tra cần xác định rõ các sai phạm, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trên cơ sở đó chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Những bất cập, kẽ hở về chính sách, pháp luật được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra cần kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện sớm để đảm bảo phù hợp với thực tiễn mà không cần chờ đến sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Các kết luận thanh tra, kiểm tra cần được báo cáo kiến nghị với cấp có thẩm quyền để giao trách nhiệm cho người đứng đầu khắc phục và báo cáo kết quả khắc phục.

“Tinh thần của Thủ tướng, của Chính phủ và của lãnh đạo Bộ là nắm bắt, giải quyết bằng được trên cơ sở khách quan, khoa học, đúng pháp luật… những bức xúc, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân. Vì vậy tôi đề nghị các đơn vị chủ động, nâng cao chất lượng công tác thanh tra. Nếu tài liệu các cuộc kiểm tra, thanh tra mà đưa về bỏ tủ thì nội dung thanh kiểm tra không còn ý nghĩa. Thanh tra, kiểm tra cần xác định rõ các sai phạm, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; giải quyết được các vấn đề bức xúc của người dân” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cương quyết.

Thế Kha