1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sụt lún trước công trình tòa nhà cao nhất Việt Nam

Một đoạn vỉa hè dài trên đường Phạm Hùng chạy qua công trình xây dựng tòa nhà 70 tầng, Keangnam Hà Nội đã bị sụt lún từ nhiều tháng qua, gây cản trở giao thông. Nhiều người dân đang lo rằng tình trạng lún sụt này có thể lan rộng và ảnh hưởng trực tiếp tới lòng đường.

Sụt lún trước công trình tòa nhà cao nhất Việt Nam - 1

Đoạn vỉa hè bị sụt lún đã được bên thi công che bạt, chăng dây, treo biển "Cấm vào".

 
Đã có dấu hiệu sụt lún từ nhiều tháng trước

 

Hiện, đoạn vỉa hè dài chừng 100m ngay khu vực chân công trường đã bị lún một nửa. Chỗ sâu nhất lên tới 30cm. Nửa vỉa hè giáp với lòng đường cũng bắt đầu nghiêng và vỡ.

Nhiều người dân khu vực xung quanh phản ánh hiện tượng này đã xảy ra từ trước Tết. Khi đó, một dãy dài gạch lát đường bị vỡ. Mặt vỉa hè nghiêng và nứt. Thậm chí, ở đoạn tiếp giáp chân công trình, gạch còn bị ép bật lên. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn trong khoảng 2 tháng trở lại đây khi phần đường bên trong dần dần lún sâu và sụp hẳn xuống.

Chị Hà, một người bán nước ngay cạnh đó cho hay: “Khoảng 3 tháng trước khi tôi dọn hàng ra đây đã thấy đường bị sụt. Nhưng lúc đó, ai muốn đi qua đều được, không hề bị ngăn”.

Hiện nay, lực lượng thi công đã cho căng bạt xanh để che kín hiện trường đồng thời họ cũng tiến hành chăng dây xung quanh, ghi biển “Cấm vào”.

Lo ngại sụt lún lan rộng


Với chiều cao 336m, Keangnam Hanoi Landmark Tower được coi là tòa nhà cao nhất Việt Nam và đứng thứ 17 trên thế giới tính đến thời điểm hoàn công.

 

Tổng số vốn đầu tư của dự án lên tới 1,05 tỷ USD, dự kiến tòa nhà sẽ hoàn thành vào năm 2010, đúng dịp tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Quy mô tổ hợp tòa nhà có tổng diện tích 579.000m2 này gồm 1 cao ốc 70 tầng và 2 chung cư.

Phần vỉa hè bị lún nói trên là đoạn chắn ngang giữa một bến xe buýt và hầm đường bộ. Vì vậy, hàng ngày, vào giờ cao điểm, rất nhiều người - nhất là học sinh, sinh viên - muốn sử dụng hầm này để sang đường buộc phải “liều mình” bước vào khu vực đã bị sụt lún nghiêm trọng.

Chị Đặng Vân Thảo (Mễ Trì - Hà Nội) mấy ngày nay đã phải đi ngang lòng đường để có thể vào được hầm bức xúc: “Mục đích của thành phố xây hầm ra là để người đi bộ tránh tai nạn. Nhưng, do vỉa hè bị chặn, tôi buộc phải đi ra lòng đường, trong khi xe ở trên đường rất đông”.

Không chỉ bức xúc do giao thông bị cản trở, người dân còn tỏ ra rất lo lắng về khả năng sụt lún có thể lan rộng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới mặt đường. Chị Nguyễn Thị Thanh (Mễ Trì) nói: “Tôi được biết trong TPHCM, thậm chí chỉ mới xây nhà 15 tầng đã làm sập đường. Đây lại là cao ốc lớn nhất Việt Nam nên tôi càng lo hơn”.

Nhiều người sống xung quanh khu vực này cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng lún là bởi công trường đã đào móng quá sâu, gây ảnh hưởng đến lớp đất nền vốn đã yếu do trước đây là đất ruộng. Trong khi đó, khi được hỏi, những công nhân làm việc trong khu vực này đều từ chối trả lời.

Được biết, phía Keangnam hiện đã có phương án tiến hành nâng vỉa hè bằng cách khoan và bơm cát trực tiếp dưới nền. Trong thời gian chờ đợi, người dân vẫn phải tiếp tục xuống đường để… đi bộ. 

 

TheoSơn Bách
Vietnam+