Tây Ninh:

Sự thật sau clip "ễnh ương tháo chạy" báo nguy cơ động đất

(Dân trí) - Giám đốc nông trường mía cho biết, mục đích chia sẻ clip có nhiều ễnh ương chạy ra đường là để chia sẻ về biện pháp mới trong việc bảo vệ cánh đồng mía của nông trường nhưng lại bị suy diễn thành nguy cơ động đất.

 

Clip được chia sẻ trên mạng

canhdongmiatayninh-01-f738d
Thông tin về hiện tượng ễnh ương xuất hiện bất thường trên internet

Trong nhiều ngày qua, trên mạng xã hội và các trang điện tử đã chia sẻ thông tin về bài viết đề cập đến tình trạng ễnh ương xuất hiện bất thường tại nông trường mía Biên Hòa – Thành Long (huyện Châu Thành). Ngay sau đó, một số trang còn phỏng vấn chuyên gia về hiện tượng ếch, ễnh ương xuất hiện bất thường và di cư ồ ạt báo hiệu nguy cơ động đất xảy ra tại khu vực đó. Thông tin trên khiến nhiều người hoang mang và chia sẻ nội dung này trên mạng xã hội.

ongnguyentronghoa-38e57
Ông Nguyễn Trọng Hòa - Giám đốc chi nhánh nông trường mía Biên Hòa - Thành Long 

Theo ông Hòa, trong vụ mía năm 2014 – 2015, nạn sâu đục thân xuất hiện gây thiệt hại rất lớn cho nông trường. Nhiều khu vực, cây mía bị thiệt hại 100% do sâu đục thân, có nơi, thân mía bị thiệt hại 10 – 30%.

Trước tình hình đó, trong vụ mía 2015 – 2016, nông trường đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để chống lại sự phá hại của sâu bọ. Nông trường đã mua thêm 60 kg cóc, nhái, ễnh ương thả vào cánh đồng mía rộng 1.150 ha. Bên cạnh đó, đơn vị cũng kết hợp với Đồn biên phòng tuyên truyền, vận động người dân và cắm biển báo không được bắt cóc, ếch, chim trong khu vực nông trường để tiêu diệt sâu bọ, bảo vệ mùa màng. Ngoài ra, nông trường còn dùng đèn nhử bướm, bảo vệ rắn.

canhdongmiatayninh-02-ea0eb
Clip cùng dòng status được ông Nguyễn Trọng Hòa chia sẻ trên mạng

Ông Hòa chia sẻ, do được nuôi, bảo vệ tốt nên các loài này sinh sản rất mạnh. Bản thân ông cũng rất bất ngờ. Sau 6 tháng nuôi các loài thiên địch, kiểm tra niên vụ mía 2015 – 2016,  sâu đục thân đã giảm đi nhiều, trung bình còn 5%  thân cây bị thiệt hại.

“Nhưng quả thật công tác tuyên truyền, bảo vệ cũng khó khăn, khi nhiều người dân vào bắt cóc, ếch để làm thức ăn, thậm chí là bắt về nuôi rắn. May mắn là thời gian qua giá rắn ở địa phương giảm nên người ta cũng hạn chế đi bắt…”, ông Hòa giải thích.

Ông Hòa cho biết, vụ mía tới, nông trường sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp sinh học khác như triển khai trồng giống mía kháng sâu đục thân trên diện rộng; sẽ không đốt lá mía để tạo môi trường cho các loài thiên địch phát triển; đẩy mạnh tiêu diệt chuột; đặc biệt là nuôi ong mắt đỏ để tiêu diệt sâu đục thân.

canhdongmiatayninh-03-41fed

Nhiều ếch, ễnh ương nhảy trên cánh đồng mía tại nông trường Biên Hòa – Thành Long (ảnh cắt từ clip)

Về việc chia sẻ clip trên internet, ông Hòa nói đó là sự tình cờ ngoài ý muốn. Khi đi kiểm tra nông trường, ông thấy ếch, ễnh ương… chạy ra rất nhiều, ông rất mừng nên có gọi điện nói chuyện với lãnh đạo công ty và nhiều vị chuyên gia nông nghiệp để khoe về thành quả đạt được. Mọi người đề nghị chụp hình gửi qua xem và ông đã quay lại một clip nhỏ để giới thiệu. Vì dung lượng khá lớn nên tối về nhà ông đã chia sẻ lên trang youtube.com để gửi đường dẫn đến mọi người.

cdm-99ff1

Các loài ếch, ễnh ương thường chạy ra ngoài vào thời điểm trời mát

Theo ông Hòa, sở dĩ xuất hiện nhiều ếch, ễnh ương nhỏ chạy ra đường bởi lúc ông ra ruộng mía là khoảng hơn 5 giờ chiều, trời mát nên các loài này di chuyển ra ngoài. Thông thường, ban ngày, các loài bò sát này nấp dưới lá mía và chỉ ra ngoài vào thời điểm trời mát.

Ông Hòa khẳng định: “Đây là ễnh ương nuôi chứ không phải tự nhiên. Nếu là tự nhiên thì phải xuất hiện con lớn, con nhỏ. Đằng này là ễnh ương gây nuôi và sinh sản rất nhanh nên  mới nhiều như thế. Nói có nguy cơ động đất là suy diễn, là tin đồn thất thiệt, thiếu cơ sở. Người dân ở đây đều biết đây là ễnh ương nuôi và không có bình luận gì. Nhưng không hiểu sao thông tin trên mạng lại sai lệch như vậy".

Ông Nguyễn Thanh Truyền – quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh khẳng định, hiện tượng ễnh ương xuất hiện nhiều ở khu vực nông trường mía Biên Hòa – Thành Long là do nông trường nuôi, không phải là hiện tượng bất thường.

Quốc Anh