1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Sự suy giảm kinh tế của TPHCM có liên quan tới e ngại, sợ trách nhiệm?

Q.Huy

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, địa phương luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, xử lý để phát hiện cán bộ nào tốt, cán bộ nào yếu kém, chưa ổn về tư tưởng, thiếu sức chiến đấu.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ngày 16/4, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã thẳng thắn nhìn nhận về nguyên nhân sự sụt giảm kinh tế của địa phương trong quý I. Trong số những vấn đề thành phố đang gặp phải, sự tránh né, trì trệ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đã được nhắc tới.

"Khi chống dịch người ta nhìn thấy sự lăn xả, dũng cảm, đối diện, chấp nhận hy sinh; khi phục hồi thì người ta thấy sự nỗ lực, phấn đấu phi thường. Và khi sụt giảm, người ta thấy rõ hơn sự chậm trễ, sự tồn đọng, yếu kém, trì trệ", Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ rõ.

Sự suy giảm kinh tế của TPHCM có liên quan tới e ngại, sợ trách nhiệm? - 1

Buổi làm việc của Thủ tướng với Thành ủy TPHCM sáng 16/4 (Ảnh: VGP).

"Chúng tôi đã xử lý rất nhiều"

Điểm lại tình hình phát triển kinh tế của địa phương, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm điểm, đề ra giải pháp trước sự sụt giảm tăng trưởng của quý I. Những khó khăn của nền kinh tế đã được thành phố nhìn thấy, chuẩn bị tâm thế trước, nhưng tình hình thực tế còn khó khăn hơn gấp nhiều lần những điều được dự báo.

"TPHCM có chuẩn bị, có dự báo, nhưng đúng là dự báo chưa tới. Chúng ta biết có biến động, nhưng không nghĩ, không lường được biến động sâu vậy", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.

Bí thư Nên dẫn số liệu mới nhất, trong quý I, Công ty Tân Cảng Sài Gòn bị sụt giảm tăng trưởng đến 16%, mặc dù họ là đơn vị chủ lực về ngành cảng biển của quân đội. Với đặc điểm là cửa ngõ giao thương 95% lượng hàng hóa tại TPHCM, công ty này chưa từng suy giảm tăng trưởng kể từ khi thành lập.

"Chúng tôi đã nói với nhau từ đầu là không được mở miệng đổ lỗi, nhưng cũng cần nhìn thấy rõ các vấn đề vượt qua khả năng của mình. Khả năng chống chịu, kiểm soát rủi ro của chúng ta đều có phạm vi giới hạn", Bí thư Thành ủy TPHCM nêu quan điểm.

Tại buổi làm việc, một số đại biểu đã đề cập tới vấn đề thận trọng, cầu toàn quá mức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM. Đây là một trong những điểm nghẽn và là nguyên nhân khiến đầu tàu kinh tế thành phố đi chậm lại.

Sự suy giảm kinh tế của TPHCM có liên quan tới e ngại, sợ trách nhiệm? - 2

"Khi sụt giảm, người ta thấy rõ hơn sự chậm trễ, sự tồn đọng, yếu kém, trì trệ", Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ rõ về tình hình sụt giảm kinh tế trong Quý I ở TPHCM (Ảnh: VGP).

Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, địa phương luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, xử lý để phát hiện cán bộ nào tốt, cán bộ nào yếu kém, chưa ổn về tư tưởng, thiếu sức chiến đấu. Tuy nhiên, một thực tế cần thừa nhận là lực lượng tại TPHCM đang dần quá tải sau đại dịch và quá trình phục hồi kinh tế.

"Chúng tôi đã xử lý rất nhiều, cán bộ yếu thì điều chuyển, yếu nữa thì cho nghỉ, thậm chí kỷ luật. Ai chậm trễ, tránh né, trì trệ, sợ sai phạm, không dám làm, cầu toàn, thận trọng quá mức thì đều báo cáo để thay đổi cầu thủ, thậm chí huấn luyện viên yếu cũng thay luôn", Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TPHCM có các biện pháp nâng cao tinh thần, trách nhiệm cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Để làm được điều đó, TPHCM cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tạo hành lang pháp lý để an toàn cho cán bộ làm việc.

"Thành phố cần động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. TPHCM cũng cần xử lý dứt điểm các tồn đọng liên quan đến công tác cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp với khả năng, năng lực, nhiệt huyết", Thủ tướng chỉ đạo.

Sự suy giảm kinh tế của TPHCM có liên quan tới e ngại, sợ trách nhiệm? - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị, sáng 16/4 (Ảnh: VGP).

Tại buổi làm việc, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, góp ý, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là TPHCM phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, lãnh đạo, khắc phục tư tưởng sợ, không dám làm. 

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay tại TPHCM là giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, lãnh đạo, khắc phục tư tưởng sợ, không dám làm. 

"Tư tưởng thụ động của một bộ phận cán bộ hiện nay thể hiện ở "3 không": không nói, không tham mưu đề xuất và không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng. Để khắc phục được điều này, chúng ta cần tạo ra môi trường an toàn cho cán bộ", ông Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Sự suy giảm kinh tế của TPHCM có liên quan tới e ngại, sợ trách nhiệm? - 4

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐ-TB&XH nêu quan điểm tại buổi làm việc (Ảnh: VGP).

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, TPHCM có 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.

"Đây là điều rất vô lý, thể hiện sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nêu thực trạng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài các nguyên nhân khách quan, tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ đợi, thiếu chủ động, sáng tạo, quyết liệt là một trong những lý do khiến kinh tế của TPHCM sụt giảm. Nếu không giải quyết vấn đề này, TPHCM khó tạo những đột phá về tăng trưởng trong thời gian tới.