1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Sử dụng "chui" phần mềm trị giá 4 tỷ đồng

(Dân trí) - Liên tục trong tháng 10 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ vi phạm bản quyền phần mềm tại nhiều doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, có vụ vi phạm sử dụng phần mềm "chui" trị giá lên tới 4 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch cho biết, liên tục trong tháng 10 vừa qua, Bộ này đã phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công An) tiến hành thanh tra và phát hiện hàng loạt vụ vi phạm bản quyền phần mềm tại các doanh nghiệp trên cả nước. Điển hình là vụ việc tại công ty TNHH Tiếng kêu vù vù (ZOOM Co. Ltd), đóng tại TP.HCM - doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất hậu kỳ, thiết kế chuyên dụng,  nhiếp ảnh… do người nước ngoài điều hành.
 
Qua kiểm tra, thanh tra đã hiện phần mềm hệ thống Discreet Flame của Autodesk, là phần mềm chuyên dụng để sản xuất hậu kỳ các chương trình truyền hình, bị sử dụng trái phép. Theo thông tin từ chủ sở hữu thì phần mềm chuyên dụng Autodesk Discreet Flame  có giá trị tới 4 tỷ đồng (gần 200 nghìn USD).
 
Sử dụng "chui" phần mềm trị giá 4 tỷ đồng - 1
Đoàn kiểm tra tại ZOOM Co . Ltd. (Ảnh: Trần Lê)
 
Đoàn thanh tra liên ngành cũng đã phát hiện số lượng lớn các phần mềm bất hợp pháp tại Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ Xây dựng và Kiến trúc Á Châu (trụ sở tại Hà Nội).
 
Phản ánh về tình hình hiện nay, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Phạm Xuân Phúc cho biết: "Trên thực tế, hiện nay, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, mặc dù hiểu biết rất rõ về sở hữu trí tuệ (sản phẩm của họ bị làm giả, làm nhái là họ kiện ngay), nhưng để trục lợi, họ lại cố tình trốn tránh mua bản quyền phần mềm, chỉ đến khi bị thanh tra phát hiện ra họ chịu bỏ kinh phí mua ."
 
Trong một cuộc hội thảo về bản quyền phần mềm vừa được tổ chức, ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, nhấn mạnh: "Quyền Sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền phần mềm nói riêng đã được Luật pháp Việt Nam bảo hộ một cách nghiêm khắc. Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật.
 
Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền. Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền sở hữu trí tuệ, do hành vi vi phạm gây ra...

P. Thanh