1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Sự cố đập Cửa Đạt đã được dự báo trước

(Dân trí) - “Đập Cửa Đạt là công trình lớn của Việt Nam, Chính phủ và Bộ NN&PTNT rất quan tâm... Đây là công trình áp dụng công nghệ mới là đập đá đổ bê tông bản mặt, ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn nên Bộ NN&PTNT cho áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc. Việc áp dụng này không sai quy trình”.

>> Vỡ đập, hàng vạn ngôi nhà chìm trong nước

 

>> Đập Cửa Đạt vỡ vì hệ số an toàn không đảm bảo

 

Hỏi về sự cố xói đập Cửa Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi 1 (đơn vị tư vấn thiết kế dự án Cửa Đạt) Hoàng Minh Dũng, cho biết như vậy. Ông nói nguyên nhân là do tần suất lũ vượt quá thiết kế và khẳng định: Nguy cơ gặp sự cố trong quá trình thi công công trình này đã được dự báo trước.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Dũng nói: “Trong dự án khả thi trước đây, chúng tôi có phương án hai tuy-nen 11m (đường dẫn dòng). Do sử dụng phương án đập đá đổ bê tông bản mặt và đồng thời tiến độ yêu cầu cũng rất khẩn trương nên nếu áp dụng phương án hai tuy-nen thì sẽ đắt hơn 370 tỷ đồng. Nhưng đây cũng không phải là giải pháp an toàn”.

 

Tại sao tư vấn thiết kế lại chọn phương án dẫn dòng qua đường ngầm và phần còn lại cho chảy qua mặt đập?

 

Cái này chúng tôi thông qua thí nghiệm mô hình của Viện Khoa học thủy lợi. Tuy đây là hạng mục nhỏ nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác để tìm giải pháp hợp lý. Phương án sử dụng hai tuy-nen đắt hơn. Thứ hai nếu anh làm hai tuy-nen thì gặp lũ như vừa rồi còn tai họa hơn nhiều. Với tần suất dẫn dòng là 5% (lưu lượng lũ 5.050m3/s), nhưng nếu hai tuy-nen thì mực nước thượng lưu như vậy và để an toàn thì chúng ta phải đắp đập là cao trình 62. Nếu đắp đập ở cao trình này và gặp tần suất lũ vừa rồi đập sẽ “bay” hết.

 

Nếu chọn phương án dẫn dòng một mà vỡ đập thì thiệt hại rất lớn và các ông đã chọn phương án dẫn dòng thứ hai. Nhưng rõ ràng qua sự cố vừa qua thì phương án hai đã thất bại?

 

Tất nhiên là không thành công nhưng lại hạn chế được rủi ro hơn so với phương án một.

 

Người ta nói rằng việc cho dẫn dòng qua mặt đập là mạo hiểm, thưa ông?

 

Đó là quan điểm của từng người. Chúng tôi chỉ làm trên cơ sở khoa học. Nếu đảm bảo tần suất 5% thì không có chuyện rủi ro, nếu vượt thì ta phải chấp nhận.

 

Là đập tràn lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên phải áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc. Thưa ông, đây là sự cố xảy ra vào năm thi công thứ ba, vậy áp dụng lưu lượng dòng chảy là 5% thì đã hợp lý chưa, trong khi Trung Quốc nếu ở vào giai đoạn này thì họ có thể áp dụng lưu lượng dòng chảy có thể cao hơn 5%?

 

Theo lời một lãnh đạo tại Bộ NN&PTNT, công trình thuỷ lợi Cửa Đạt là một trong những công trình lớn nhất hiện nay của đất nước. Nếu chỉ tính phần đầu mối thì giá trị của nó khoảng 5 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả phần kênh mương thì công trình có tổng số vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Đập đá đổ bê tông bản mặt thì Việt Nam chưa làm bao giờ và cũng chưa có tiêu chuẩn và người ta cho phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài. Áp dụng tiêu chuẩn bao nhiêu thì phải đi vào từng công trình cụ thể, công trình đấy làm bao nhiêu năm và chặn dòng như thế nào.

 

Ở công trình Cửa Đạt, theo dẫn dòng thì năm thứ nhất, năm thứ hai người ta dẫn dòng qua lòng sông phụ. Năm thứ ba đến khi chặn dòng lại thì mùa lũ dẫn dòng qua tuy nen và đập đá xây dựng cao trình 50. Đến năm thứ tư thì lúc đấy đắp đập lên rồi thì dẫn dòng qua tuy nen và đập tràn. Tùy từng công trình thì sẽ có những quy định cụ thể.

 

Nơi bị vỡ là vai phải, người ta nói khâu thiết kế có vấn đề?

 

Nếu nói thiết kế có vấn đề thì phải nói tổng thể, chưa không thể nói có vấ đề ở một nơi được. Theo tôi thiết kế không có vấn đề gì.

 

Ngày 28/9/2007, Bộ NN&PTNT có quyết định phê duyệt thiết kế phần còn lại thuộc hạng mục tràn xả lũ của công trình Cửa Đạt, trong đó quy mô một số thông số kỹ thuật chính sẽ được thay đổi. Vì sao, thưa ông?

 

Về mặt thông số kỹ thuật thì không có gì thay đổi, có thể có những gia cường thêm. (sau khi PV cho xem văn bản, ông Dũng nói những thay đổi này thuộc tràn xả lũ chứ không phải hạng mục bị sự cố).

 

Ông có nhận trách nhiệm của ông trong sự cố vừa rồi?

 

Tôi đang xem xét lại toàn bộ các công việc của dự án này. Nếu có gì sơ suất thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm.

 

Trần Hưng (thực hiện)