1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sông “uy hiếp” làng mạc, “xóa sổ” đất sản xuất

(Dân trí) - Vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở, bồi đắp ở sông Rào Nan thuộc xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) khiến hàng trăm hộ dân nơi đây phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Cao Quảng đang đứng trước nguy cơ bị “xoá sổ” đất nông nghiệp.

Sông Rào Nan chảy qua xã Cao Quảng xưa nay vốn hiền hoà thơ mộng, bỗng nhiên mấy năm nay đã trở nên dữ dằn, hung hãn, “ngoạm” đi hàng chục héc ta diện tích đất canh tác, đất thổ cư… Hàng trăm hộ dân sống ven dòng sông này đang đối mặt với nguy cơ sông “nuốt” vườn nhà, “xóa sổ” đất sản xuất.

Sông “nuốt” đường sá, làng mạc!

Từ Quốc lộ 12A qua dòng sông Gianh, leo qua những con dốc ngoằn ngoèo, thẳng đứng, phải mất đến gần chục km đường rừng chúng tôi mới chớm chân đến xã Cao Quảng. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, phân trần: “Sau đợt lũ kép cuối năm 2010 và những cơn lũ chồng cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2011, mưa lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh đã khiến hai bên bờ sông Rào Nan bị sạt lở nghiêm trọng, kéo dài trên 5km, và bồi đắp khoảng trên 30 ha diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là ở các thôn Cao Cảnh, Tiến Mại, Phú Xuân...”.

Sông “uy hiếp” làng mạc, “xóa sổ” đất sản xuất - 1
Ồng Nguyễn Hữu Toái, Trưởng thôn Tiến Mại xót xa chỉ tay về tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc sông Rào Nan

Nói rồi, ông Tâm cử cán bộ dẫn chúng tôi trực tiếp khảo sát tình hình sạt lở dọc hai bên bờ sông Rào Nan đoạn chảy qua thôn Cao Cảnh và Tiến Mại. Ông Nguyễn Hữu Toái, Trưởng thôn Tiến Mại dẫn chúng tôi lên thực địa ở thượng nguồn dòng sông này. Tại đây, sạt lở kéo dài vài km đã “nuốt” đi rất nhiều diện tích đất trồng hoa màu của bà con nhân dân. Không những thế, sạt lở còn uy hiếp con đường liên xã chạy qua thôn Cao Cảnh. 

Sông “uy hiếp” làng mạc, “xóa sổ” đất sản xuất - 2
Sạt lở "uy hiếp" con đường liên xã

“Ở đây chưa ăn thua gì đâu chú ơi, ở dưới thôn Tiến Mại sạt lở, bồi đắp còn kinh hoàng hơn nữa kìa. Hàng chục hộ dân ở Tiến Mại đang sống trong sợ hãi vì sạt lở”, ông Toái cho hay. Quả ông Toái không nói sai, có mặt ở thôn Tiến Mại, chúng tôi không khỏi rùng mình trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở hai bên bờ con sông này.

Sông “uy hiếp” làng mạc, “xóa sổ” đất sản xuất - 3

Sạt lở "nuốt" làng mạc

Thôn Tiến Mại có 71 hộ dân. Hai năm nay, sạt lở xảy ra kinh hoàng đã làm cho người dân thôn này sống trong bất an, sợ hãi. Hàng nghìn mét đất dài chạy theo sông Rào Nan bị sạt lở. Sông đã “ngoạm” đi hàng chục ha diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư, có nơi sạt lở “nuốt” hơn 22m đất.

Ông Hoàng Văn Lương, một hộ dân sống bên dòng sông này xót xa: “Vài năm trở lại đây, sạt lở ở con sông Rào Nan diễn ra kinh hoàng quá! Nhà tui chỉ còn cách sông khoảng chục mét nữa thôi. Nhiều đêm đang ngủ ngon giấc, bỗng nghe tiếng sạt lở ầm ầm bên tai. Cứ tình trạng ni kéo dài không khéo có ngày nhà tui cũng bị cuốn ra sông mất thôi chú ơi!”.

Sông “uy hiếp” làng mạc, “xóa sổ” đất sản xuất - 4

Ông Hoàng Văn Lương: "Đêm trở mình nghe tiếng sạt lở ầm ầm bên tai"

Nguy cơ “xoá sổ” vựa lúa của xã

Sạt lở không chỉ uy hiếp đường sá, vườn tược, nhà cửa của hàng trăm hộ dân xã Cao Quảng mà hàng chục ha diện tích đất trồng lúa của xã này còn đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

Cao Quảng là một xã miền núi khó khăn. Toàn xã có 664 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 150 ha diện tích đất trồng lúa nước (88,15 ha trồng 2 vụ và 54 ha trồng 1 vụ).

Từ trận lũ cuối năm ngoái đến nay đã bồi lấp nhiều “vựa lúa” thành những bãi “sa mạc” cát cằn cỗi, có nơi đất cát chôn vùi ruộng đồng cao khoảng 1 mét. Trên 30 ha diện tích đất trồng lúa bị bồi đắp đã khiến cho người dân nơi đây vốn “khát” đất nông nghiệp lại càng trở nên điêu đứng.

Giữa cánh đồng pha cát mênh mông, chị Trần Thị Thương (thôn Cao Cảnh) cùng con trai đang hì hục cày xới, cải tạo mảnh ruộng bị đất cát bồi đắp với hy vọng trỉa thêm ít ngô vụ đông sắp tới. Gia đình chị Thương có 6 khẩu nhưng chỉ được 1 sào ruộng cấy.

“Nhà chỉ có chừng đó diện tích đất trồng lúa, nhưng năm ngoái đến nay mưa lũ đã san phẳng thành bãi cát. Mới hôm rồi nghe thôn trưởng thông báo bà con tranh thủ ra đồng cải tạo đất để trồng ngô vụ đông sắp tới. Chắc đất ni làm cho vui rứa chứ trồng cây chi cũng không sống nổi mô. Rồi đây không biết lấy chi mà ăn qua ngày nữa”, chị Thương chua xót.

Sông “uy hiếp” làng mạc, “xóa sổ” đất sản xuất - 5
Chị Thương chua xót chỉ tay về đám ruộng bị cát bồi đắp gần 1 mét

Ở Cao Quảng, thôn Tiến Mại được xem là “vựa lúa” của xã. Thế nhưng, cánh đồng Đượng với diện tích 4,2 ha đã bị cát sỏi bồi đắp trên 3 ha. Trưởng thôn Nguyễn Hữu Toái nói: Cứ tình trạng sạt lở, bồi đắp kéo dài như vài năm trở lại đây thì không lâu nữa nguy cơ diện tích đất trồng lúa và hoa màu ở thôn Tiến Mại sẽ bị “xóa sổ”.

Đây cũng là nỗi lo lắng chung của 9 thôn trong xã Cao Quảng. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch xã cho hay: Vừa rồi các cơ quan ban ngành cũng đã tiến hành kiểm tra, khảo sát để tìm ra phương án khắc phục. Trong khi chờ đợi quyết định của cấp trên, chính quyền xã cũng đã khẩn trương chỉ đạo bà con nhân dân nhanh chóng khắc phục số diện tích bị bồi lấp để trồng cây ngô, lạc… thay lúa. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, năm ngoái nhiều người dân trồng lạc trên phần diện tích này nhưng năng suất gần như bằng 0.

Thiếu đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn thanh niên ở Cao Quảng đi vào miền Nam làm công nhân. Số lao động ở tuổi thanh niên và trung niên còn lại trong xã chủ yếu vào rừng “mót” gỗ, chặt củi kiếm sống.

Sông “uy hiếp” làng mạc, “xóa sổ” đất sản xuất - 6

Thiếu quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nhiều lao động ở tuổi thanh niên và trung niên xã Cao Quảng vào rừng đốn hạ gỗ

Nguyên nhân dẫn đến sạt lở, bồi đắp và dòng sông Rào Nan đổi dòng chảy được phán đoán là do chính con người gây ra. Dăm bảy năm trở lại đây, việc khai thác cát sạn dọc lòng sông, nạn chặt phá rừng đầu nguồn diễn ra rầm rộ khiến cho rừng trở nên tan hoang trơ trọc, lũ lớn từ đầu nguồn đổ về khiến cho dòng sông đổi dòng gây nên tình trạng sạt lở, bồi đắp nghiêm trọng.

Sông “uy hiếp” làng mạc, “xóa sổ” đất sản xuất - 7

Hàng trăm hộ dân ở xã Cao Quảng bất lực trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở sông Rào Nan

Nhìn dòng sông Rào Nan vốn hiền hoà nay bỗng nhiên trở nên hung dữ uy hiếp đường sá, “nuốt” ruộng vườn, làng mạc, hàng trăm hộ dân xã Cao Quảng chỉ biết ôm nỗi bất an mà ngậm ngùi bất lực!

Đặng Tài