1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Sông Hương sẽ không là di sản thế giới?

Người Huế đã rất hồ hởi khi đón nhận tin sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông sẽ được lập hồ sơ để công nhận là di sản văn hoá thế giới, với một niềm hy vọng: UNESCO sẽ "cứu" sông Hương khỏi những vấn nạn mà nó đang đối mặt. Nhưng...

Cách đây hai ngày, niềm hy vọng đó đã tắt khi ông Nguyễn Xuân Lý - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế - xác nhận việc ngừng lập hồ sơ với lý do "thời cơ chưa chín muồi". 

 

Bao giờ mới "chín"?

 

Còn nhớ tháng 1/2005, KTS Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị được UBND tỉnh TT-Huế giao nhiệm vụ phối hợp với các ban, ngành lập hồ sơ cho sông Hương để trình UNESCO - đã khởi thảo một viễn cảnh rất xán lạn: "Hiện tại, chúng tôi đang hoàn thiện một bộ hồ sơ về sông Hương và những danh mục của cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ sông như núi Ngự, núi Tam Thai, Kim Phụng, Cồn Hến - Dã Viên, điện Hòn Chén, đồi Vọng Cảnh...

 

Đến đầu năm 2006, các chuyên gia tư vấn của UNESCO sẽ đến Huế để kiểm tra thực tế và viết báo cáo cho Uỷ ban Di sản thế giới. Nếu thuận lợi, thì sông Hương sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới tại kỳ họp lần thứ 30 năm 2006".

 

Nhưng thông báo bất ngờ của ông Chủ tịch UBND tỉnh khiến nhiều người thất vọng. Người Huế hỏi nhau: "Lãnh đạo tỉnh cho rằng thời cơ chưa chín muồi, vậy thì vì sao lại chưa chín muồi, nó vướng mắc ở chỗ nào, về vấn đề gì và bao giờ thì chín muồi?". 

 

Việc UNESCO đề nghị lập hồ sơ công nhận sông Hương là một vấn đề rất quan trọng. Nếu ngừng lại thì cơ hội để cho sông Hương đẹp hơn, "đến" với nhiều người hơn trên thế giới. Quan trọng hơn, UNESCO sẽ giúp sông Hương được bảo vệ, gìn giữ tốt hơn.

 

Ông Nguyễn Xuân Hoa - Giám đốc Sở VHTT tỉnh TT-Huế - nói: "Việc ngừng lập hồ sơ để công nhận sông Hương với lý do "thời cơ chưa chín muồi" là không thuyết phục. Thời cơ lớn nhất, chín muồi nhất của sông Hương chính là đề nghị của UNESCO, chứ còn chờ đợi cái gì nữa".

 

Sông Hương đang bị "đe doạ"

 

Không thể phủ nhận những cố gắng vượt bậc của tỉnh TT-Huế trong thời gian qua đối với sông Hương. Nhưng những cố gắng đó chưa đủ để "cứu" sông Hương thoát khỏi sự xâm lấn thô bạo của làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ.

 

Việc khai thác cát sạn tràn lan ở thượng nguồn kéo dài từ nhiều năm nay, dẫn đến tình trạng xói lở cục bộ nghiêm trọng ở hai bên bờ sông. Mặc dù người dân, báo chí lên tiếng ra rả từ năm này sang năm khác, nhưng xem ra mọi chuyện vẫn như bệnh nan y không thuốc chữa.

 

Tiếp đến là tình trạng mạnh ai nấy xây nhà, kè lấn ra bờ sông rất thô bạo của hàng chục cơ quan nhà nước, nhà hàng, quán ăn, nhà dân, nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương lại làm ngơ không xử lý. Chính các công trình này đã làm sông Hương dần mất đi sự hiền hoà, thơ mộng.

 

Rồi trước đó là khách sạn Tân Hoàng Đế cao chót vót, chỉ nằm cách bờ sông mấy trăm mét. Gần đây nhất là dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh đang gây nhiều tranh cãi cùng nhiều dự án "có vấn đề" khác đã và đang rục rịch triển khai...

 

Mâu thuẫn không còn cách giải quyết ?

 

Với những gì đã và đang xảy ra, có thể nhận thấy có một khối mâu thuẫn lớn giữa sông Hương - di sản và sông Hương - "mỏ vàng" - nếu đưa vào khai thác du lịch. Có vẻ như tư tưởng sông Hương - "mỏ vàng" đang thắng thế vì những lợi ích trước mắt có thể đong đếm được.

 

Liên quan đến vấn đề này, KTS Phùng Phu nhận xét: "Nói rộng hơn, đó là mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn. Nó liên quan đến hệ thống về nhận thức. Không chỉ sông Hương, mà với một đô thị đặc biệt như Huế, chúng ta không có kinh nghiệm về làm quy hoạch. Hiện chưa ai trả lời được câu hỏi làm quy hoạch cho Huế như thế nào là đúng, nên mới có chuyện công trình, dự án này "đá" công trình, dự án kia, mới có chuyện các di sản văn hoá bị gặm nhấm, xâm hại".

 

Theo Hoàng Văn Minh
Lao Động