1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Sống gần sông vẫn khắc khoải khát nước

(Dân trí) - Đã nhiều tháng nay, hơn 100 hộ dân ở bản Hạnh Tiến (xã Châu Hạnh) và hàng trăm hộ dân xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) sống khắc khoải cùng cơn khát nước trầm trọng.

Sống gần sông vẫn khắc khoải khát nước - 1
Sông Hiếu đã cạn trơ đáy và ô nhiễm trầm trọng nhưng người dân dọc hai bên sông này vẫn phải dựa vào nguồn nước này để sinh hoạt
 
Để có nước phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, người dân phải lặn lội cả chục km để vận chuyển những giọt nước ngọt hiếm hoi từ dòng sông Hiếu vốn đã bị ô nhiễm nặng nề bởi nạn đào vàng.

Nhân dân các làng Lâm Hội 1, Lâm Hội 2 và làng Việt Hương (xã Châu Hội và xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đang phải mua nước bơm trực tiếp từ dòng sông Hiếu với giá bình quân từ 30 - 50 ngàn đồng/m3(tuỳ cự ly xa gần) do một số người tự mua máy bơm về bơm. Điều cần quan tâm là đoạn sông này đang bị ô nhiễm do việc khai thác vàng ồ ạt giữa lòng sông.

Những ngày đầu tháng 7, dòng sông Hiếu đoạn chảy qua bản Phả Lạnh (xã Châu Hạnh) đã cạn trơ đáy, dòng nước hiếm hoi là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân dọc hai bên bờ sông đang ngày càng bị thu hẹp dần. Lắc đầu ngao ngán, ông xóm phó kiêm an ninh của bản Hạnh Tiến Trần Văn Hồng cho biết: “Cái khổ nhất ở đây là thiếu nước, một năm 12 tháng thì ở đây thiếu nước sạch đến 10 tháng rồi”. Được biết trước đây, từ nguồn vốn của quỹ phát triển nông thôn, bản Hạnh Tiến đã được xây dựng hai giếng nước để cung cấp nước sạch cho bà con.
 
Sống gần sông vẫn khắc khoải khát nước - 2
Người dân xã Châu Hạnh, Châu Hội .... phải dùng phuy, can nhựa đi gần cả chục km mua nước nhưng khát vẫn hoàn khát vì hạn hán quá nặng

Thế nhưng chỉ 1 trong 2 giếng có nước không thể đáp ứng nổi nhu cầu của người dân. Đã thế nước trong giếng cũng hết sức hạn chế, mặt khác trong mấy tháng gần đây hầu như không có trận mưa nào lớn nên giếng cũng dần trơ đáy.

“Sông Hiếu cũng chảy qua bản ta đấy nhưng do trên bản Định Tiến người ta khai thác vàng nhiều nên nước bị ô nhiễm nặng không thể dùng cho ăn uống được”, ông Hồng cho hay. Vì vậy để có nước phục vụ nhu cầu ăn uống và sinh hoạt, các hộ dân phải sắm sửa thùng phuy, xe bò lốp ngược lên bản Phả Lạnh cách Hạnh Tiến hơn 2km để lấy nước về dùng.

“Hai người phải mất một buổi mới lấy được 2 thùng phuy này nước đấy. Chừng này nước tiết kiệm lắm cũng chỉ dùng được 2 ngày thôi. Nước chỉ dùng để ăn uống, giặt giũ và để bọn trẻ con tắm thôi, còn vợ chồng ta phải xuống suối để tắm đấy”, anh Trần Văn Hiên cho biết. Để có nước sạch cho cả gia đình, hai vợ chồng anh phải nghỉ một buổi làm, sắm thêm một chiếc xe bò và hai cái thùng phuy trị giá gần một triệu đồng để đi lấy nước.
Sống gần sông vẫn khắc khoải khát nước - 3

Ông Hồng: "Chưa có năm nào hạn hán lại kinh hoàng như thế này. Khiếp quá, thời tiết ngày càng khắc nghiệt bà con chúng tôi ở miền núi xót xa lắm về những giọt nước"
 
Những nhà neo người, không có điều kiện đi xa chở nước, họ phải mua lại nước với giá 25.000 - 50.000 đồng/thùng phuy.
 
Nước sinh hoạt hiếm hoi thì nước phục vụ cho sản xuất càng khó khăn gấp bội. Chưa xây dựng được hệ thống dẫn nước từ sông lên nên hơn 100ha đất nông nghiệp nơi đây hoàn toàn chờ vào những giọt nước từ trời. Bởi vậy ở đây mỗi năm chỉ trồng được một vụ mía mà thiếu nước nên năng suất mía cũng không cao. Cái đói, cái nghèo vẫn bám chặt lấy người dân.
 
Ông Trần Văn Hồng cho biết: “Thu nhập bình quân đầu người một tháng là 18kg thóc, tính thành tiền cũng mới chỉ được 180.000đ/người/tháng, dưới cả chuẩn nghèo của nhà nước. Hiện nay dư nợ ngân hàng của xóm đã lên đến 2 tỷ đồng rồi nhưng cũng không biết khi mô trả hết, lấy chi để mà trả cho ngân hàng nữa.”
 
Sống gần sông vẫn khắc khoải khát nước - 4
Dù sông Hiếu nước có đục, bị ô nhiễm nhưng có nguồn nước này mà dùng vẫn là... may mắn.

Theo ông Hồng, hiện nay huyện Quỳ Châu đang có dự án xây dựng hệ thống dẫn nước từ khe suối về các bản để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân nhưng hiện tại cũng mới chỉ đào đến thị trấn, “không biết khi mô thì về đến đây nữa”, ông Hồng thở dài.  

Đã hơn 3 tháng nay, trên địa bàn huyện Con Cuông (Nghệ An) trời không có mưa, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thường xuyên trên 40 - 42 độ C. Nắng hạn làm cho tất cả các hồ đập khô cạn, nguồn nước thuỷ lợi cung cấp cho các cánh đồng cũng bị khô cạn, làm hàng ngàn ha ngô xuân bị khô cháy, nguy cơ không cho thu hoạch, hàng ngàn ha sản xuất vụ hè thu như: Đậu, lạc, ngô trỉa xuống không có mưa cũng bị hư hỏng. Điều đáng quan tâm nhất là hơn 500 ha chè công nghiệp đang cho thu hoạch cũng bị khô, chết. Hiện tại đã có hơn 100 ha chè bị chết cháy phải trồng lại. Hơn 150 ha chè mới trồng năm 2009 cũng bị nắng nóng làm chết hoặc khô cháy lá không phát triển được. Nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài, thì có nguy cơ trên 650 ha chè trên địa bàn huyện có nguy cơ bị xóa sổ.


Nguyễn Duy - Hoàng Lam