1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Số lỗ của Vinalines “đội” lên hơn 20.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước năm 2014 vừa gửi tới Quốc hội, số liệu thống kê mới nhất, trong số hơn 24.000 tỷ đồng lỗ luỹ kế của các DNNN này, Tcty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chiếm hơn 20.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo báo cáo hợp nhất của 10 tập đoàn, tổng công ty (bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con của tâp đoàn, tổng công ty) là 4.900 tỷ đồng. Còn lỗ phát sinh theo báo cáo của công ty mẹ là 1.700 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ khái quát, có 19 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 24.400 tỷ đồng và 10 công ty mẹ còn lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng.

Trong đó, Vinalines đứng đầu cả về chỉ số lỗ phát sinh (xấp xỉ 3.200 tỷ đồng) và lỗ luỹ kế (trên 20.000 tỷ đồng).

 

Số lỗ của Vinalines “đội” lên hơn 20.000 tỷ đồng - 1

 

Một số doanh nghiệp được nêu trong danh sách lỗ phát sinh là Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam (lỗ gần 900 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng công nghiệp (lỗ 30 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty 15 - Bộ Quốc phòng (lỗ 180 tỷ đồng); Công ty mẹ - Công ty TNHH một thành viên Haprosimex – Hà Nội (lỗ khoảng 280 tỷ đồng).

Về số lỗ luỹ kế, danh sách dẫn ra gồm Vinalines, Tcty lương thực miền Nam (1.100 tỷ đồng); Tổng công ty 15 - Bộ Quốc phòng (gần 570 tỷ đồng), Công ty TNHH một thành viên Haprosimex – Hà Nội (500 tỷ đồng), Tổng công ty Sông Đà (khoảng 410 tỷ đồng)...

Đi kèm với số liệu lỗ lãi, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, năm 2014, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt gần 251.000 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2013.

Chính phủ nhận định khái quát, kết quả hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty chưa cao. Có tập đoàn, tổng công ty báo cáo hoạt động của công ty mẹ có lãi, nhưng báo cáo hợp nhất vẫn bị lỗ và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất đến thời điểm hết năm tài chính 2014 còn cao hơn thời điểm hết năm tài chính 2013.

Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của khối các tập đoàn cũng giảm nhẹ như doanh thu giảm 6%, lợi nhuận trước thuế giảm 4%, số phát sinh phải nộp ngân sách giảm 1% so với thực hiện năm 2013.

Nợ khó đòi của DNNN tăng 19%

Về vấn đề nợ, báo cáo của Chính phủ thống kê các đối tượng như DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước. Theo đó, nợ phải thu cũng tăng và nợ khó đòi với nhóm đối tượng này đều tăng so với năm 2013.

Nhận xét khái quát nhất là hầu hết các doanh nghiệp nhà nước năm 2014 vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2014, có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổng tài sản của các doanh nghiệp này là 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2013. Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp là 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 7%.

Doanh thu của khối DNNN này trong năm 2014 là 1,7 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt gần 200.000 tỷ đồng, giảm 1%.

Nếu tính riêng các tập đoàn, tổng công ty thì tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2014 là 16% (năm 2013 là 16,47%).

Tách riêng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con, báo cáo cho biết tổng tài sản của khối này là gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 7%. Đầu tư tài chính ngắn hạn theo số liệu báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty là 286.000 tỷ đồng, tăng 29% so, dài hạn xấp xỉ 183.000 tỷ đồng, giảm 3%.

Các tập đoàn, tổng công ty có tổng nợ phải thu trên 290.000 tỷ đồng, tăng 11%, tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2014 là 11%, trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.570 tỷ đồng, tăng 18,6%, chiếm 4,6% tổng số nợ phải thu.

Dẫn đầu về nợ khó đòi là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) với hơn 3.000 tỷ đồng, tiếp theo là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam 1.800 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội 616 tỷ đồng, Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam 613 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam 608 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam 544 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Bắc 504 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam 391 tỷ đồng...

Báo cáo của công ty mẹ cho thấy, tổng nợ phải thu là hơn 290.000 tỷ đồng, tăng 2%, trong đó nợ phải thu khó đòi là 9.500 tỷ đồng, tăng 19,4%, chiếm 4,3% tổng số nợ phải thu.

Các tập đoàn, tổng công ty đã trích lập 12.000 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định.

Báo cáo cũng nêu nhiều con số cho thấy một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản cao đến trên 50%. Ví dụ được nêu ra là công ty mẹ - Tổng công ty Đông Bắc nợ phải thu 4.700 tỷ đồng, bằng 72%, Công ty mẹ - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cũng có số nợ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, bằng 69% tổng tài sản…

Chính phủ nhận định, nợ phải thu khó đòi và tỷ lệ nợ phải thu /tổng tài sản năm 2014 của nhóm đối tượng này tăng hơn năm 2013, tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng, nông nghiệp cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa rõ nét, khả năng tiêu thụ bất động sản còn chậm. Còn đối với sản phẩm nông nghiệp khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất mang tính thời vụ.

Các yếu tố trên là nguyên nhân dẫn tới thời gian thanh toán khi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp phải kéo dài, làm tăng nợ phải thu và rủi ro nợ khó đòi.

P.Thảo