1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sẽ thống nhất mức lương tối thiểu

(Dân trí) - Áp dụng thống nhất mức lương tối thiểu giữa 3 loại hình doanh nghiệp (nhà nước, ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài) để tạo bình đẳng - Đây là thông tin mới nhất được đưa ra trong hội thảo do Bộ LĐ-TB&XH và ILO tổ chức sáng 18/7 tại Hà Nội.

Chưa bình đẳng 

Quy định hiện hành về mức lương tối thiểu theo 3 loại hình doanh nghiệp như sau:  

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, từ 1/10/2005 áp dụng mức lương tối thiểu chung là 350.000đ/tháng đến 1.050.000đ/tháng; Đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, từ 1/10/2005 áp dụng không thấp hơn mức lương tối thiểu chung 350.000đ/tháng; Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ 1/2/2006 áp dụng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo 3 mức: 870.000đ/tháng - 790.000đ/tháng - 710.000đ/tháng. 

TS. Phạm Minh Huân - Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mức lương tối thiểu không thống nhất giữa các khu vực đã tạo ra mâu thuẫn và chưa theo nguyên tắc bình đẳng trong kinh tế thị trường. Đồng thời, mức lương tối thiểu chung vẫn còn thấp hơn mức lương tối thiểu thực trả trên thị trường lao động, chưa phản ánh được sự chênh lệch về giá cả sinh hoạt, chi tiêu, mức sống dân cư giữa các vùng. Do vậy, mục tiêu và định hướng tiếp theo là nâng dần mức lương tối thiểu chung phù hợp với mức lương tiền công trên thị trường, xây dựng mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp phù hợp với quan hệ cung - cầu lao động; xây dựng luật tiền lương tối thiểu...  

Theo ông Huân, lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp sẽ sẽ hoàn thành vào năm 2010. Cụ thể: với doanh nghiệp trong nước, điều chỉnh tăng dần hàng năm khoảng 20-25%; Với doanh nghiệp FDI thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 03/2006/NĐ-CP và điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 10% (dự kiến 2 năm điều chỉnh một lần vào đầu năm 2008 và 2010)… 

Lương tối thiểu - Nguyên nhân của các cuộc đình công 

Một điều dễ dàng nhận thấy rằng, từ khi thực hiện chính sách về lương tối thiểu, hàng loạt cuộc đình công đã xảy ra tại Việt Nam, chủ yếu trong khu vực doanh nghiệp FDI.

Theo ông Chang-Hee Lee, chuyên gia quan hệ lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đó chính là một trong những yếu tố thúc đẩy Chính phủ phải nâng lương trong khu vực đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn năm tới sẽ tiếp tục tổ chức đình công tự phát, vì như vậy một số biện pháp cải cách tiền lương sẽ được tiến hành. 

Ông Chang-Hee Lee nhận định, điều chỉnh lương tối thiểu theo một mức độ thường xuyên rất quan trọng, giúp cho lương tối thiểu được điều chỉnh một cách từ từ để phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế và thị trường lao động. Các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra một ngày cụ thể để thực hiện việc tăng lương, như thế, các chủ thể kinh tế có thể phản ánh sự thay đổi này trong kế hoạch kinh doanh của họ.

Lý tưởng hơn nữa là cần có một khoảng cách phù hợp (khoảng vài tháng) giữa ngày ấn định lương với ngày áp dụng mức lương mới. Ví dụ, ngày 1/10 ấn định mức lương mới thì vào ngày 1/1 năm sau mới đưa vào áp dụng. 

An Hạ