1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Sẽ kỷ luật lãnh đạo địa phương để xảy ra ném đá lên tàu

(Dân trí) - Đây là một trong những giải pháp mà Bộ GTVT kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về nạn ném đất, đá lên tàu. Bộ GTVT nhận định nguyên nhân chính của vấn nạn này là do sự buông lỏng quản lý của các địa phương có đường sắt đi qua.

6 tháng đầu năm 2007, ngành đường sắt phải “chịu trận” 672 vụ ném đất, đá làm vỡ 737 cửa kính toa xe và 6 người bị thương (3 hành khách và 3 nhân viên trên tàu). Con số này vượt xa so với cùng kỳ những năm 2003, 2004, 2005 và xấp xỉ “đỉnh cao” năm 2006.

Điển hình như ngày 7/1/2007, tàu khách Star4 đang chạy trên tuyến Bắc - Nam đến địa phận Cà Rôm - Ngã ba (tỉnh Khánh Hoà) bất ngờ gặp một “cơn mưa đá” tới tấp trút vào đầu máy toa xe. Hậu quả làm lái tàu bị thương nặng, đoàn tàu Star4 phải dừng lại để thay đầu máy và bố trí lái tàu khác.

Ngày 10/2/2007, tàu khách S3 khi đi qua khu vực Tháp Chàm - Hoà Trinh (tỉnh Ninh Thuận) cũng bị ném đá. Năm cửa kính toa xe vỡ nát và một hành khách trẻ em trên tàu bị thương nặng.

Theo nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chính quyền các địa phương buông lỏng quan lý, thiếu kiên quyết trong việc điều tra hoặc truy tìm đối tượng để xử lý theo pháp luật bởi đối tượng vi phạm chủ yếu là trẻ em ở lứa tuổi 13 - 15, thường chăn thả trâu, bò hai bên đường sắt.

Thậm chí, có những nơi còn cho rằng trách nhiệm bảo đảm ATGT, ngăn chặn nạn ném đất đá lên tàu là của ngành đường sắt và Công an nên thiếu quan tâm, chỉ đạo, nhắc nhở người dân dẫn đến gia tăng các vụ vi phạm.

Để ngăn chặn tình trạng trên Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy định bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, có biện pháp mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng ném đất đá lên tàu. Địa phương nào để xảy ra tình trạng ném đất đá lên tàu thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu kỷ luật...

Phúc Hưng