1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Sẽ kiểm tra việc hàng chục tỷ đồng tiền cứu trợ “nằm kho”

(Dân trí) - Khẳng định việc tồn đọng tiền cứu trợ là trái với chủ trương của tỉnh, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban PCLB tỉnh Quảng Bình - cho biết tỉnh sẽ kiểm tra và có hướng giải quyết.

Trao đổi với báo chí sau khi thông tin 22 tỷ đồng tiền cứu trợ lũ lụt đang bị tồn đọng ở Ban cứu trợ các cấp, ông Nguyễn Xuân Quang cho biết ông chưa nắm rõ việc này, song  để tồn đọng tiền cứu trợ là trái với chủ trương của tỉnh.

Chủ trương chung của tỉnh là phân bổ các nguồn cứu nhanh, đúng đối tượng và công bằng - ông Quang khẳng định. Theo ông Quang, Ban cứu trợ của tỉnh gồm nhiều tổ chức đoàn thể, văn phòng UBND tỉnh dưới sự chủ trì của UBMTTQVN tỉnh, lãnh đạo tỉnh chỉ thỉnh thoảng dự họp chứ không tham gia thường xuyên nên chưa nắm rõ tình hình.

Ông Quang thừa nhận, Quảng Bình nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương, các tỉnh bạn và nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do thiệt hại trong trận lũ tháng 10/2010 là quá lớn nên sự quan tâm đó mói bù đắp được một phần nhỏ mất mát, đời sống của người dân sau lũ lụt đến nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Sẽ kiểm tra việc hàng chục tỷ đồng tiền cứu trợ “nằm kho” - 1
Nhiều tổ chức, cá nhân đã chuyển hàng cứu trợ về tay dân vùng lũ khi cơn lũ chưa đi qua
(Ảnh tư liệu, chụp tháng 10/2010 - Hồng Kỹ).

Trước đó, nhưDân trí đã đưa tin, hiện còn gần 9 tỷ đồng tiền cứu trợ tồn đọng tại Ban cứu trợ tỉnh, 13 tỷ khác cũng tồn ở các huyện vì đã có chủ trương phân bổ song chưa có quyết định hoặc đã có quyết định nhưng chưa đủ hồ sơ, chứng từ nên chưa được quyết toán.

Trong 9 tỷ đồng tồn tại Ban cứu trợ tỉnh, UBMTTQVN tỉnh cho biết sẽ dành hơn 7,5 tỷ đồng để xây dựng 1.515 ngôi nhà cho dân nghèo vùng lũ, 1,4 tỷ đồng còn lại được trích làm quỹ dự phòng để chi ứng cứu lúc thiên tai cấp thiết.

Theo quan điểm của nhiều cán bộ làm công tác mặt trận, chủ trương này chưa hợp lý, bởi việc hỗ trợ làm nhà cho người nghèo đã có chương trình riêng được nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Tương tự, quỹ dự phòng thường được trích ra từ ngân sách nhà nước.

Thêm nữa, hiện hầu hết các gia đình bị sập hoặc hư hại nhà cửa trong lũ đã tranh thủ sự hỗ trợ của xã hội và vay mượn để dựng lại nhà. Theo đánh giá của nhiều người việc Ban cứu trợ “om” hàng tỷ đồng tiền hỗ trợ để phân bổ giúp người nghèo dựng nhà khi lũ qua đã hơn nửa năm là không thiết thực.

Hoàng Dương - Hồng Kỹ