1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sẽ có MBH thời trang đạt chất lượng?

(Dân trí) - Trước tình hình mũ bảo hiểm (MBH) được biến tấu đủ kiểu dù không đạt chất lượng vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa thích như hiện nay, Bộ KHCN đã đề nghị Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng hiến kế cho việc ra lò những chiếc MBH loại mới.

Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Quốc Thắng, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng MBH trên thị trường?

Trước khi Nghị Quyết 32 của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 15/12/2007, Bộ KHCN đã chỉ đạo một cách ráo riết về việc kiểm tra và quản lý chất lượng các loại MBH.

Thông qua việc kiểm soát tận nơi khu vực sản xuất, tận cửa khẩu từng lô hàng, chúng tôi phát hiện có 19/125 cơ sở sản xuất mũ trong nước là có mũ không đảm bảo chất lượng.

Nếu tính tổng thể cả số MBH được sản xuất trong nước và MBH nhập khẩu thì MBH đạt chất lượng chiếm trên 80%. 20% còn lại liên quan đến MBH nhập lậu, nhưng cơ sở sản xuất gian lận, làm hàng giả, hàng nhái và trôi nổi trên thị trường.

Nhưng theo Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng ở TPHCM thì có tới 80% số mũ họ mua về không đạt yêu cầu?

Cần phải nói rằng số MBH không đạt chất lượng này nằm ở những doanh nghiệp không công bố chất lượng, những doanh nghiệp làm nhái, làm giả và những cơ sở nhập lậu, nhập chui.

Bởi vậy, chúng ta không nên quá bi quan về chất lượng MBH trên thị trường.

Trên thực tế, ngưòi tiêu dùng đang có cảm nhận rằng, số MBH không đạt chất lượng đang xuất hiện ngày càng nhiều. Ông nghĩ sao?

Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là cơ chế quản lý, giảm sát và xử lý vi phạm của chúng ta chưa đủ mạnh để những MBH không đảm bảo chất lượng bị loại ra khỏi thị trường.

Chúng tôi đang cùng với các bộ ngành liên quan nghiên cứu về việc tăng cường cơ chế xử phạt cũng như tuyên truyền để những người sản xuất kinh doanh cần phải có văn hoá trong kinh doanh.

Vấn đề thứ hai là vai trò của người tiêu dùng. Họ phải là những người tiêu dùng thông thái, phải biết lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng đã được công bố, thực thi một cách nghiêm túc vì mua MBH để bảo vệ chính họ.

Tại sao bộ KHCN không công bố những cơ sở, nhãn hiệu không đảm bảo chất lượng để người dân được biết?

Bên cạnh việc nâng cao kỷ cương chúng ta cũng cần phải bảo vệ người sản xuất. Ở Việt Nam vẫn xảy ra tình trạng lẫn lộn giữa hàng thật và hàng giả. Đôi khi hàng giả nhãn hiệu A nhưng không phải do doanh nghiệp A sản xuất.

Vậy nếu Bộ KHCN công bố doanh nghiệp A không đảm bảo chất lượng thì rõ ràng doanh nghiệp đó sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là vấn đề rất nhạy cảm và chỉ có người tiêu dùng phát hiện tiêu chuẩn về MBH và giúp cơ quan nhà nước chỉ ra những ai làm sai.

Nhưng ngay cả những người tiêu dùng cũng ít thấy tố cáo các loại MBH kém chất lượng, thậm chí có những loại họ còn thích vì phù hợp với điều kiện, khí hậu của Việt Nam?

Đúng là trong thời gian vừa qua, xuất hiện một loại MBH thời trang theo kiểu "không giống ai". Ở các nước xung quanh có môi trường, thời tiết giống chúng ta như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, họ đều không có MBH như ở ta.

Chúng tôi đã kiểm tra và đã thông báo tới tất cả chi cục quản lý thị trường, chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng rằng: tất cả những MBH thời trang, biến tấu, cách điệu xuất hiện trên thị trường là những mũ chưa công bố tiêu chuẩn và những người bán mũ đó không được "dán nhãn" đây là MBH.

Chúng tôi đã nghĩ đến việc đó và đã làm việc với Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng. Hội sẽ làm nghiên cứu xã hội học để từ đó đề xuất kiến nghị và tham mưu cho các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh để đưa các loại mũ có hình dáng vừa phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nhưng đồng thời phải có chức năng bảo vệ cho người đi xe máy.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương