1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sẽ áp mức thuế cao đối với đất đai lấn chiếm

(Dân trí) - Nhiều ý kiến tại Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đánh thuế đối với diện tích đất lấn chiếm đồng nghĩa với việc thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các ý kiến khác lại có quan điểm, không thể để vừa vi phạm pháp luật vừa không phải nộp thuế.

Sáng 15/3, Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế Nhà, đất.

Về vấn đề thuế nhà, trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, Thường trực UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, tại thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế chưa thực sự ổn định, đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà sẽ tác động nhất định đến một bộ phận người dân.

Qua lấy ý kiến nhân dân cho thấy, việc áp dụng thuế nhà tại thời điểm hiện nay chưa thực sự tạo sự đồng thuận trong nhân dân… Hơn nữa, số thu từ thuế nhà cho NSNN ước tính không lớn, trong đó chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ.

Chính vì vậy, Thường trực UB Tài chính - Ngân sách đề nghị, trước mắt chưa nên đưa nhà vào diện chịu thuế.

Về phía cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đồng tình với việc chưa đánh thuế nhà, bởi theo ông, đầu cơ hiện nay chính là đất, không phải nhà. Thậm chí, ngay cả nhà chung cư, giá trị cũng nằm ở vị trí đất…
 
Nhiều ý kiến sau đó cũng nhất trí với việc tạm thời không đánh thuế nhà. Riêng vấn đề tính thuế với những diện tích đất nào lại có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau.
 
Sẽ áp mức thuế cao đối với đất đai lấn chiếm - 1
Đất lấn chiếm sẽ phải nộp mức thuế cao (Ảnh có tính minh họa).

Dự thảo luật quy định, diện tích đất tính thuế là phần diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Thường trực UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, quy định diện tích chịu thuế căn cứ vào diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa bao quát hết các trường hợp trên thực tế.

Theo UB, hiện nay, tình trạng lấn chiếm nhà, đất vẫn đang xảy ra và phần diện tích này không nằm trong phần diện tích ghi trong Giấy chứng nhận. Có nhiều trường hợp diện tích lấn chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong Giấy chứng nhận.

Để quy định của luật phù hợp thực tiễn, tránh sơ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu NSNN, không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, Ủy ban đề xuất, diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế.

Cùng đó, áp mức thuế suất riêng (0,15%) đối với đất lấn chiếm do đây là hành vi bất hợp pháp. “Việc thu thuế đối với diện tích lấn chiếm không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích này”, UB khẳng định.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện, Trần Thế Vượng không đồng tình với luận điểm này, bởi theo ông, Luật Đất đai nghiêm cấm lấn chiếm và phải thu hồi đất đã lấn chiếm. “Chúng ta lại ngang nhiên thừa nhận đất lấn chiếm và đánh thuế cao là không được”, ông Vượng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cũng cho rằng, thu thuế với đất lấn chiếm là tạo cơ hội cho người dân không thực hiện đúng pháp luật. Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền đề nghị ghi trong luật vẫn phải là thu theo giấy chứng nhận sử dụng đất, bởi đó là cơ sở pháp lý cao nhất.

Trước các ý kiến này, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển lại lý luận, theo quy định hiện hành, trường hợp đất tranh chấp, lấn chiếm vẫn thu thuế, dù không thừa nhận tính hợp pháp. “Nếu người ta vừa lấn chiếm vừa không phải nộp thuế thì họ phấn khởi quá”, ông Hiển phân tích.

Coi đất đai bị lấn chiếm là một thực trạng cần giải quyết, Chủ tịch HĐ Dân tộc, Ksor Phước đề nghị, đối với đất lấn chiếm phải đánh thuế tăng dần theo các năm để cho người có hành vi lấn chiếm phải “rút lui” khỏi diện tích đất đó.

“Chốt” lại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc không thu thuế đối với đất đai ngoài phạm vi giấy chứng nhận sử dụng đất là không thực tế. Theo ông Kiên đã sử dụng tài sản của nhà nước đều phải có nghĩa vụ nộp thuế và không phải nhà nước thu thuế có nghĩa là thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật.

Cấn Cường