1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hà Nội:

Sắp xét xử vụ “cô giáo thiêu sống cả nhà anh chồng”

(Dân trí) - Theo dự kiến, trong 2 ngày 29 và 30/11 tới, Tòa án Quân sự Trung ương sẽ đưa 3 bị cáo trong vụ án “cô giáo thiêu sống cả nhà anh chồng” ra xét xử phúc thẩm. Nhiều vấn đề về chứng cứ pháp lý trong vụ án đang gây tranh cãi.

3 bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Thị Thuận, Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp. Trước đó, ngày 4/8, Tòa án quân sự Quân khu thủ đô đã tuyên phạt Thuận mức án chung thân, Hà 20 năm tù giam và Tiệp 18 năm tù giam. Cho rằng mức án nói trên là quá nhẹ so với cái chết oan uổng của 3 người trong gia đình Đại úy Nguyễn Chí Hưng, đại diện bị hại đã làm đơn kháng cáo.
 
Sắp xét xử vụ “cô giáo thiêu sống cả nhà anh chồng” - 1
3 bị cáo trong phiên xử sơ thẩm.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án quân sự Thủ đô, Nguyễn Thị Thuận vốn là giáo viên trường tiểu học Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội). Thuận là bạn từ nhỏ với nạn nhân Bùi Thị Thu Hà, vợ Đại uý Nguyễn Chí Hưng (ở xóm Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái). Thuận và chị Hà cùng lập gia đình với hai anh em ruột là Nguyễn Chí Hưng và Nguyễn Chí Tuấn.

Sau khi ly thân, ngày 20/1/2008, Thuận nói với Bùi Tiến Hà: “Cháu rất tức vợ chồng ông Hưng vì luôn bênh em trai. Chú mua ít xăng về, giúp cháu đốt nhà ông Hưng cho bõ tức.” Thấy Hà lưỡng lự, Thuận bảo: “Chú cứ đốt đi, nếu xảy ra chuyện gì cháu chịu trách nhiệm.”

Do ông Hà chưa làm ngay, Thuận nhờ Hoàng Hải Tiệp (sinh viên) ra tay, và hứa hẹn: “Chị xây nhà xong, mày xuống ở với chị, chị không lấy tiền nhà”. Tiệp đã đồng ý, nhận 50.000 đồng từ Thuận để đi mua xăng. Rạng sáng 25/1/2008, Tiệp và ông Hà đã đổ xăng qua cửa sổ, đốt nhà anh Hưng. Ngọn lửa bùng lên trong đêm tối đã khiến cả gia đình 3 người tử vong.

Phiên tòa phúc thẩm sắp tới “hứa hẹn” sẽ có một cuộc tranh tụng “nảy lửa” về vấn đề chứng cứ pháp lý để buộc tội các bị cáo. Tại phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ chứng minh hành vi giết người của Nguyễn Thị Thuận. Tuy nhiên, bào chữa cho bị cáo Thuận, Luật sư Hoàng Văn Dũng - Công ty Luật Hợp danh Bross và cộng sự, lại cho rằng: “Chứng cứ hiện tại không đủ để buộc tội đối với 3 bị cáo.

Lời khai của các bị cáo còn nhiều mâu thuẫn, chưa được CQĐT làm rõ; các bị cáo có lúc nhận tội, nhưng đến giai đoạn điều tra tại cơ quan điều tra của quân đội và tại tòa các bị cáo đều phủ nhận những lời khai trước. Nhiều tình tiết quan trọng, quyết định trong nội dung lời khai của các bị cáo còn chứa đựng mâu thuẫn, chưa được làm rõ.”

Theo LS Dũng, giữa biên bản khám nghiệm hiện trường với kết luận giám định có sự mâu thuẫn rất quan trọng, ảnh hưởng đến việc buộc tội, gỡ tội cho bị cáo. Cụ thể, biên bản kết luận giám định khẳng định cháy từ bên trong, nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường lại thể hiện cháy từ bên ngoài.

“Một chi tiết gây tranh cãi khác, có khoảng 20 bản cung bị can Hà đã điểm chỉ mặc dù Hà biết chữ và đã ký trước đó; trên dưới 10 bản cung không có người chứng kiến việc điểm chỉ, hoặc có người chứng kiến nhưng không rõ họ ở đâu, họ tham gia chứng kiến với tư cách nào; nguyên nhân nào mà bị cáo Hà đã không ký được cũng chưa được CQCSĐT làm rõ. Việc điểm chỉ trong 20 bản cung nêu trên là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự…” - ông Dũng cho biết.

Dự kiến trong 2 ngày 29 và 30/11 tới, phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án này sẽ diễn ra. Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất của phiên xử.

Tiến Nguyên