1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sắp có phiên điều trần về trách nhiệm phòng chống tham nhũng

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, tháng 5 tới sẽ tổ chức phiên điều trần để Thanh tra Chính phủ giải trình về việc chống tham nhũng cùng sự tham gia của rất nhiều Bộ như Tài chính, Nội vụ, GTVT, Xây dựng…

Thông tin về phiên điều trần được ông Quyền nêu ra tại hội nghị triển khai thực hiện các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 vừa qua do UB Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 4/2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chủ đề của hội nghị là nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội. “Nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, có được thực hiện tốt hay không, các đại biểu Quốc hội phải giám sát. Luật, Nghị quyết đã tốt nhưng không thực hiện tổ chức tốt thì cũng không có ý nghĩa. Tất cả đại biểu phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực thi. Chỗ nào làm chưa tốt, ai cản trở thì đại biểu phải hỏi cho rõ” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo một số vấn đề cần tập trung, theo dõi giám sát, trong đó có việc giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, phòng chống tham nhũng...
 
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp: Kết luận giám sát chung chung không khác gì đấm vào không khí.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp: "Kết luận giám sát chung chung không khác gì đấm vào không khí".

Tán thành những nhận định này, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, một trong những nội dung quan trọng để nâng cao hiệu quả giám sát là phải có thông tin về những vấn đề, hoạt động, cá nhân cần giám sát vì nếu không có thông tin thì việc giám sát không khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”.

Ông Quyền nêu thực tế, với các cơ quan thuộc ngành tư pháp như CQĐT, Tòa án, VKS, khi có yêu cầu cung cấp thông tin từ đoàn giám sát của UB Tư pháp, cơ bản đã đáp ứng kịp thời. Tuy nhiên, với các bộ ngành, việc này thực hiện rất chậm, khó khăn.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, tháng 5 tới, UB này sẽ tiến hành phiên điều trần về việc chống tham nhũng đối với Thanh tra Chính phủ. Ngoài Tổng Thanh tra phải báo cáo, giải trình về hoạt động này, rất nhiều Bộ, ngành liên quan cũng sẽ được triệu tập như Bộ Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, GTVT…. Ông Quyền đề nghị, khi có công văn yêu cầu báo cáo, các bộ ngành cần đáp ứng nghiêm túc, kịp thời.

Ngoài ra, muốn tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, theo Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp,  phải làm rõ trách nhiệm với địa chỉ rõ ràng của bộ ngành nào, địa phương nào, cá nhân nào. Ông Quyền kiến nghị thay đổi cách báo cáo, kết luận giám sát để chỉ rõ địa chỉ cụ thể, không “quy trách nhiệm chung chung”.

“Kết luận mà chỉ chung chung chẳng khác nào đấm vào không khí thôi. Việc này hết sức khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh của Quốc hội, của mỗi đại biểu. Xác định quyết tâm làm nhưng không thể chỉ hô khẩu hiệu mà phải có phương cách làm và có bản lĩnh” – ông Quyền nói.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin, Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc phản ánh tâm tư của nhiều đại biểu về tính khách quan, chính xác trong việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, liên quan đến sự chủ động cung cấp của những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Chỉ ra không ít khoảng cách giữa nghị quyết của Quốc hội với chỉ đạo của Chính phủ và địa phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch đặt vấn đề cần phải xem xét cả mức độ phù hợp của các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành với sự vận động cuộc sống.

Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan liên quan cần làm tốt hơn việc báo cáo về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, bởi vẫn còn có những nghị quyết chưa được triển khai thực hiện đầy đủ.

P.Thảo