1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công ty Cao su Quảng Ngãi:

San ủi mộ để… trồng cao su

Để có đất trồng cao su, Công ty Cao su Quảng Ngãi đã lén san ủi 309 ngôi mộ của dân. Bị dân phát hiện và khiếu nại, Giám đốc công ty đề nghị hỗ trợ cho mỗi ngôi mộ từ 25.000 - 80.000 đồng!

Trong sự bức xúc cao độ, ông Trần Liễu - trưởng tộc họ Trần - dẫn chúng tôi đến khu vực Hố Thùng và Vườn Huỳnh (xóm 6, thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chỉ tay vào vùng đất bị cày xới tan hoang: "Mộ tổ tiên họ Trần ở khu vực này có 22 cái, thế mà bây giờ chẳng còn dấu vết gì cả. Mấy ngày trước, có người đến đây còn nhìn thấy mấy đoạn xương cốt nằm phơi trên đất". 

 

Theo ông Liễu, ngoài những ngôi mộ của dòng họ Trần còn có 26 ngôi mộ khác của nhiều gia đình trong thôn, xóm và 261 ngôi mộ vô chủ vẫn được nhân dân thờ cúng cũng bị xới tung lên hoặc san phẳng.  

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Vào năm 2004, UBND xã Bình Chương và Công ty Cao su Quảng Ngãi vận động nhân dân giao đất Hố Thùng và Vườn Huỳnh (có diện tích 15 ha) để trồng cây cao su. Khi nhân dân giao đất cho Công ty Cao su Quảng Ngãi thì đơn vị này tiến hành đền bù hoa màu và cây cối trên đất cho nhân dân, còn số mồ mả tại đất này vẫn giữ nguyên, không phải di dời nơi khác. Cũng trong năm 2004, Công ty Cao su Quảng Ngãi tiến hành san ủi mặt bằng, không đụng đến mồ mả ở đây.

 

Nhưng đến lần san ủi vào cuối tháng 11/2005 (âm lịch) thì xảy ra chuyện. Ông Lê Triều, 64 tuổi, người trong thôn cho biết: Ban ngày, khi xe cơ giới vào cày ủi ở đất này thì vẫn không đụng gì vào mồ mả, nhưng ban đêm thì cứ nhằm vào khu có mồ mả mà ủi, hậu quả là có đến 309 ngôi mộ bị xới tung lên. Đến đêm 21/11/2005 (âm lịch), nhân dân trong xóm phát hiện ra và ngăn cản không cho xe cơ giới tiếp tục cày ủi và xâm phạm mộ phần thì Công ty Cao su mới tạm dừng lại.

 

Sau đó, nhân dân trong xóm 6 làm đơn kiến nghị gửi lên UBND xã. Các ngày 23, 25, 28 tháng 11/2005 (âm lịch), UBND xã và Công ty Cao su Quảng Ngãi đã họp dân trong xóm lại để giải quyết những kiến nghị của nhân dân, thừa nhận đã san ủi số mồ mả, đúng như nhân dân phản ánh.

 

Nhưng điều khôi hài là ông Huỳnh Đức Tiến - Giám đốc Công ty Cao su Quảng Ngãi - lại "trả giá": Để phục hồi lại mộ bị san ủi, Công ty hỗ trợ cho nhân dân 40.000 đồng/mộ có người thờ phụng, 25.000 đồng/mộ vô chủ. Khi người dân phản đối, ông Tiến tiếp tục cò kè nâng "giá": 70.000 đồng/mộ, 80.000 đồng/mộ...

 

Ông Trần Quới, 72 tuổi, Trưởng ban tế lễ Thanh minh xóm 6, thôn An Điềm chua chát: "Nói khôi phục lại mộ, nhưng làm sao được. Sau khi bị cày ủi, bây giờ làm sao xác định được mộ nào nằm ở đâu, xương cốt nằm chỗ nào? Hơn nữa, làm vậy có khác gì bán hài cốt để lấy tiền".

 

Ông Võ Quang Thành, Chủ tịch UBND xã Bình Chương cho biết: Việc Công ty Cao su Quảng Ngãi tự ý san ủi 309 ngôi mộ của nhân dân là hoàn toàn có thật. Thực tế, trong biên bản làm việc với UBND xã và nhân dân trong năm 2004 thì Công ty Cao su Quảng Ngãi cam kết sẽ san ủi, trồng cao su cách mộ ít nhất là 4m.

 

Theo thông tin của chúng tôi, qua các lần giải quyết không hợp tình, hợp lý, nhân dân ở xóm 6, thôn An Điềm đã gửi đơn lên các cấp chính quyền của huyện Bình Sơn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

 

Theo Thanh Việt
Công An Nhân Dân