1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sai phạm hàng loạt tại các dự án đường sắt bị “tước” quyền chủ đầu tư

(Dân trí) - Dự án trọng điểm của ngành đường sắt sử dụng vốn ODA vừa bị Bộ GTVT “tước” quyền chủ đầu tư đã sai phạm trong công tác xây dựng, phê duyệt dự toán khiến tổng mức đầu tư phải điều chỉnh vượt hơn 2.000 tỷ đồng so với thực tế thực hiện.

“Đội” vốn gấp gần 2 lần

Ba dự án bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) “sờ gáy” và tiến hành kiểm tra (từ ngày 19/5 - 23/7) là Dự án các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và Khu đầu mối Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc (Dự án 3+1); Dự án Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh - Sài Gòn, giai đoạn I vay vốn ODA Trung Quốc (Dự án VSG) và Dự án Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh, vay vốn ODA của Pháp (Dự án HNV - giai đoạn 2).

Theo Bộ GTVT, đây là 3 công trình trọng điểm của ngành đường sắt được giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) làm chủ đầu tư. Các dự án này có quy mô và phạm vi trải dài từ Bắc vào TPHCM với tổng chiều dài 2.300km, được triển khai nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác và an toàn chạy tàu trên các tuyến vận tải trọng yếu quốc gia, góp phần hạ giá thành vận tải. Ban quản lý Dự án đường sắt của ĐSVN được giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành với 2 yêu cầu chính là không để đội vốn và hoàn thành trong 2 năm.

Tuy nhiên, kết luận kiểm tra số 9180/BGTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký ngày 29/7 vừa qua đã cho thấy, cả 3 dự án này đều chậm tiến độ nghiêm trọng từ 4-7 năm so với yêu cầu đặt ra. Đến thời điểm báo cáo với Đoàn kiểm tra, mặc dù khối lượng công việc không còn nhiều nhưng lại là những công việc phức tạp, đòi hỏi tính chuyên gia cao.

Sai phạm hàng loạt tại các dự án đường sắt bị “tước” quyền chủ đầu tư
Việc Bộ GTVT "tước" quyền chủ đầu tư của ngành đường sắt đối với các dự án vì phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng

Về tổng mức đầu tư dự án, Đoàn kiểm tra phát hiện giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh được phê duyệt của Dự án 3+1 và Dự án VSG cao gần gấp 2 lần so với thực tế thực hiện dự án. Trong đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh Dự án 3+1 (giai đoạn 1) tăng 1.052 tỷ đồng, tại đây chi phí xây dựng tăng 402,3 tỷ đồng và chi phí thiết bị tăng 105,2 tỷ đồng. Ở Dự án VSG (giai đoạn 1) tăng 1.102 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng tăng 243,2 tỷ đồng và chi phí thiết bị tăng 61,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến sai phạm này có yếu tố chủ quan là do Tư vấn tính không đúng suất đầu tư đối với hệ thống liên khóa tín hiệu và chi phí nhân công, Tư vấn đã vận dụng mức cao cao của định mức cho công việc chính, ngoài ra một số công việc phụ chưa liệt kê được bằng 10% trên giá trị công việc chính.

Cùng với đó, nguyên nhân được cho là khách quan dẫn tới sai phạm là vì chủ đầu tư “xin” điều chỉnh được cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng 10%, nhà thầu trực tiếp trả và làm thủ tục hoàn thuế, do đó nguồn vốn ngân sách không cần bố trí khoản này. Một số hạng mục chi phí trong quá trình thực hiện dự án không sử dụng, như: chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí lập và đánh giá hồ sơ mời thầu, chi phí đảm bảo an toàn giao thông…

Về thiết kế, hệ thống tín hiệu của cả 3 dự án không đồng bộ với nhau về mặt công nghệ; hệ thống thông tin được khảo sát, thiết kế chưa sát với thực tế nên không tận dụng được hết dung lượng của tổng đài (nhiều nhất là 40% đầu số và ít nhất là 10%)…

“Tước” quyền làm chủ, xử lý kinh tế

Theo Bộ GTVT, việc lập-thẩm định-phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án cao hơn gấp gần 2 lần so với thực tế thực hiện gây ảnh hưởng rất lớn tới quá trình thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư dự án. Cụ thể: không tận dụng được hết nguồn vốn vay ưu đãi, cắt giảm nhiều hạng mục đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án do phải đàm phán ký lại Hiệp định vay vốn…

Ở đây có trách nhiệm của Tư vấn thiết kế, Tư vấn thẩm tra, chủ đầu tư và cơ quan chủ trì thẩm định, tham mưu trình duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh khi việc lập và thẩm định chưa phù hợp. Trách nhiệm để xảy ra các tồn tại trong thiết kế, thi công, tiến độ dự án chậm… thuộc về ĐSV và các nhà thầu.

Sai phạm hàng loạt tại các dự án đường sắt bị “tước” quyền chủ đầu tư

Nếu Bộ GTVT không "tước" quyền chủ đầu tư của ngành đường sắt thì dự án "lụt" tiến độ càng nặng và nguy cơ "vỡ" vốn là rất cao (ảnh: Hữu Nghị)

Trước khi “tước” quyền làm chủ đầu tư các dự án nói trên của ĐSVN, Bộ GTVT đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo và tập thể Tổng Công ty này cùng Ban Chuẩn bị đầu tư, Ban Quản lý Dự án đường sắt vì để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện dự án và yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong toàn tập thể. Bộ GTVT yêu cầu ĐSVN thu hồi kinh phí khảo sát thiết kế, lập tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tổng số tiền gần 457 triệu đồng - tương ứng với giá trị lập tổng mức đầu tư sai và nộp về ngân sách Nhà nước qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ GTVT.

Trên thực tế, đây mới chỉ là kết quả kiểm tra của 3 trong 18 dự án sử dụng vốn ngân sách và vốn ODA của Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN vừa bị “tước” quyền. Rõ ràng, khi năng lực của chủ đầu tư yếu kém và không đủ sức để quản lý các dự án quy mô lớn thì Bộ GTVT cần phải giám sát và điều hành trực tiếp để dự án không bị “lụt” tiến độ nặng nề và tránh nguy cơ “vỡ” vốn tại các dự án đường sắt trọng điểm.

Được biết, việc chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án đường sắt đã nằm trong lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp lại Tổng Công ty ĐSVN và các Ban Quản lý Dự án đường sắt của Bộ GTVT. Bởi vậy, mới đây Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kể từ năm 2015 thay vì chuyển cho Tổng Công ty ĐSVN thì toàn bộ phần vốn ngân sách xây dựng cơ bản hàng năm sẽ giao cho Bộ GTVT, từ đó Bộ GTVT sẽ xây dựng và triển khai vốn cho các dự án đường sắt trong kế hoạch bố trí vốn hàng năm.

Bị “tước” quyền chủ đầu tư đối với hàng loạt dự án trọng điểm, điều này đồng nghĩa với việc từ nay Tổng Công ty ĐSVN chỉ được tập trung vào chức năng kinh doanh và làm chủ đầu tư các dự án có quy mô nhỏ bằng vốn đầu tư tự có của doanh nghiệp.
 

Chậm nhất đến 30/9 ĐSVN phải bàn giao xong các dự án về Bộ GTVT

Chiều qua (19/8), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác bàn giao 13 dự án từ Tổng Công ty ĐSVN về Bộ GTVT. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu việc tổ chức bàn giao phải đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm, thời gian, tình hình thực hiện, đảm bảo cho hoạt động quản lý và triển khai thực hiện các dự án này không bị ảnh hưởng, không bị gián đoạn, đồng thời tuân thủ luật pháp quy định.

Khi bàn giao chi tiết phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan bàn giao và cơ quan nhận dự án từ thời điểm chuyển giao trở đi. Tổng Công ty ĐSVN vẫn phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Bộ GTVT trong quá trình triển khai thực hiện các dự án này, phải rà soát lại, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến nhiệm vụ của mình đến khi bàn giao; Riêng với Ban Quản lý Dự án đường sắt, trước khi có quyết định sáp nhập về Bộ GTVT thì vẫn phải duy trì hoạt động quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo, chậm nhất đến ngày 30/9 mọi công tác bàn giao các dự án từ Tổng Công ty ĐSVN về Bộ GTVT phải hoàn thành.

Châu Như Quỳnh