1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Rước tượng Thánh Gióng trong ngày sinh nhật Bác

(Dân trí) - Trò chuyện với PV <i>Dân trí</i>, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nhận định: Lễ rước tượng đài Thánh Gióng lên ngự tại đỉnh núi đá Chồng vào đúng ngày 19/5 - ngày sinh nhật Bác Hồ - là một sự trùng hợp đẹp và rất ý nghĩa.

Sau hơn 6 tháng thi công đúc tượng, sáng qua ngày 19/5 - đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch - tượng đài Thánh Gióng đã được rước lên đỉnh núi đá Chồng, thuộc xã Phù Linh (Sóc Sơn - Hà Nội). 
 
Trò chuyện với PV Dân trí về sự kiện ý nghĩa này, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nhận định: “Đó không chỉ là sự ngẫu nhiên của lịch sử mà nó còn thể hiện sự tất nhiên của xã hội - đề cao, tôn vinh những anh hùng vì dân vì nước”.

Rước tượng Thánh Gióng trong ngày sinh nhật Bác - 1
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. (Ảnh: Quốc Đô)

Thưa ông, là một người nghiên cứu sâu về Hà Nội, ông có thể nói rõ hơn về hình tượng Thánh Gióng - một trong “tứ bất tử” của dân gian Việt Nam?

 

Hình tượng Thánh Gióng biểu hiện sức lớn mạnh của người dân Việt Nam. Bởi khi giặc ngoại xâm đến, không chỉ người dân, người lớn, người già, phụ nữ… mà ngay cả một cậu bé cũng sẽ trở thành chiến sĩ, đảm đương việc nước, đánh đuổi giặc thù ra khỏi bờ cõi nước ta.

 

Dĩ nhiên Thánh Gióng là nhân vật có chút huyền thoại nhưng cội nguồn của nó là thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Tinh thần yêu nước đó ẩn sâu trong mỗi người con Việt Nam. Đó có thể là người rất đỗi bình thường, đó có thể là người nông dân quanh năm lam lũ với đồng ruộng, chưa đi đâu khỏi lũy tre làng, nhưng khi giặc ngoại xâm đến cướp nước sẽ trở thành người không lồ (không lồ cả về thể chất lẫn tinh thần), đánh đuổi giặc cứu nước.

 

Thánh Gióng thể hiện tinh thần, bản lĩnh giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và những người con đất Thăng Long nói riêng. Sự hướng lên của Thánh Gióng  sau khi đánh  thắng giậc Ân, cởi áo giáp bay về trời là biểu hiện ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc.


Rước tượng Thánh Gióng trong ngày sinh nhật Bác - 2
Lãnh đạo TP Hà Nội trong lễ cắt băng chuẩn bị lắp tượng trên đỉnh núi đá Chồng ngày 19/5. (Ảnh: Quốc Đô)

 

Việc xây dựng tượng đài Thánh Gióng do UBND thành phố và Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam đứng ra phát động và thực hiện có ý nghĩa như thế nào chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thưa ông?

 

Tôi phải nói ngay rằng, Thánh Gióng ra trận được sự ủng hộ của toàn dân. Thánh Gióng đã huy động được sức mạnh của dân chúng để chiến đấu chống quân xâm lược. Đây là một hình tượng đẹp. Vì thế việc xây dựng tượng đài Thánh Gióng bằng nguồn kinh phí xã hội hoá là một việc làm rất hợp lý, sát với tinh thần Thánh Gióng, nhất là khi đơn vị đảm đương trách nhiệm này lại là Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam - nơi của lòng hảo tâm, từ bi, nơi hội tụ những tăng ni, phật tử có cái Tâm trong sáng, có tâm hồn hướng thiện vì sự ổn định và phát triển.
 

Tôi cũng được biết chị Nguyễn Thị Kim Thoa - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ATS - là người đã phát tâm công đức hơn 25 tỷ đồng để hoàn thành việc đúc tượng Thánh Gióng. Đây thực sự là một nghĩa cử cao đẹp và đáng được vinh danh.

 

Điều đó cũng thể hiện thành công của xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo, tạo dựng di tích, tượng đài cho thành phố. Tôi ủng hộ chủ trương xã hội hóa của thành phố, để Thủ đô 1.000 năm tuổi thật sự đẹp, đẹp trong sự cổ kính, đẹp trong sự hiện đại, văn minh với nền văn hiến lâu đời, trở thành nơi không thể không đến thăm của du khách thập phương.

 

Ngày 19/5/2010 là ngày rước chính thức tượng đài Thánh Gióng ngự trên đỉnh núi đá Chồng, cũng đúng vào ngày kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác Hồ. Ông có cảm nghĩ gì về sự trùng hợp này?

 

Mở đầu trang sử chống giặc ngoại xâm của chúng ta là Thánh Gióng, sau này là Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền… và gần đây nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày rước tượng Thánh Gióng - người anh hùng cách đây 2-3 nghìn năm ngự trên núi đá Chồng đúng vào 120 năm ngày sinh Hồ Chí Minh - người con anh hùng của dân tộc.  Theo tôi, đây quả là một sự trùng hợp đẹp. Đó không chỉ là sự ngẫu nhiên của lịch sử mà nó còn thể hiện sự tất nhiên của xã hội - đề cao, tôn vinh  những anh hùng vì dân vì nước.

 

Theo kế hoạch, sau khi được rước lên đỉnh núi Đá Chồng, tượng Thánh Gióng tiếp tục được lắp dựng, đánh bóng, xuống màu hoàn chỉnh cũng như hoàn tất các công đoạn để đảm bảo kỹ thuật và mỹ thuật như phác thảo phê duyệt.


Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công có tổng trọng lượng khoảng 85 tấn và chia làm năm thớt để đúc. Thớt đầu tiên đúc phần người và ngựa tượng Thánh Gióng. Thớt có trọng lượng lớn nhất vừa hoàn thành là phần đế tượng nặng khoảng 30 tấn. Tượng đài Thánh Gióng có chiều cao tới đỉnh là 11,07m, độ vươn ra là 16m, mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi, thúc ngựa hướng về trời xanh đưa tay vẫy chào quê hương.

 

Công trình Tượng đài Thánh Gióng sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2010, kịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Anh Đô (thực hiện)