1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cà Mau:

Rừng Quốc gia U Minh Hạ có nguy cơ cháy cao

(Dân trí) - Tình hình khô hạn, nắng nóng gay gắt hiện nay đã và đang ảnh hưởng đặc biệt đến các khu vực rừng Quốc gia U Minh Hạ cũng như đời sống của người dân ở Cà Mau.

Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho biết, qua thống kê cho thấy, tại xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có khoảng 500 trong tổng số gần 2.000 hộ dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt, tập trung nhiều ở cả tuyến bờ Tây lẫn bờ Đông Sông Trẹm. Nhiều nơi trên địa bàn người dân đổi nước sinh hoạt, mỗi khối từ 45.000 đồng- 60.000 đồng.

Ngoài xã Biển Bạch, ông Lý Minh Khởi- Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Cà Mau- cho biết, khu vực vùng đệm rừng tràm Cà Mau như xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), nhu cầu sử dụng nước ngọt rất cao vào mùa khô khiến mạch nước ngầm bị thiếu, nước chảy qua đường ống dẫn nước rất yếu.

Lực lượng chức năng túc trực quan sát 24/24 các khu rừng ở U Minh Hạ.
Lực lượng chức năng túc trực quan sát 24/24 các khu rừng ở U Minh Hạ.

Trong khi đó, khô hạn kéo dài khiến khoảng 90% diện tích rừng tràm ở Cà Mau khô kiệt. Ông Lê Văn Hải- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau- cho biết, toàn lâm phần hiện có trên 34.600ha rừng khô hạn, trong đó báo động đỏ (dự báo cháy cấp VI và cấp V) trên 17.000ha. Khu vực báo động cháy cao là Phân trường Trần Văn Thời, xã Khánh Bình Tây Bắc, Vườn Quốc gia U Minh hạ và Công ty Lâm nghiệp U Minh hạ.

“Hiện ngành chức năng đang đẩy nhanh tình hình nạo vét các tuyến kênh trữ nước; kiểm tra thường xuyên hệ thống cống, đập ngăn mặn, trữ ngọt… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho rừng và người dân”- lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho hay.

Trước mùa khô năm 2015 sẽ kéo dài và nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, ông Lê Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các Sở, Ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân sống trong và xung quanh lâm phần. Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, quản lý và có biện pháp ngăn chặn từ đầu đối với các đối tượng có ý định vào rừng lấy ong, săn bắt thú…trong mùa khô, nhằm góp phần phòng, chống cháy rừng.

Hầm than - mối “đe dọa” của rừng tràm

Mấy ngày qua, PV có dịp đi ngang qua các tuyến kênh thuộc lâm phần rừng tràm thuộc địa bàn huyện U Minh, chúng tôi bắt gặp khá nhiều lò hầm than đang un khói nghi ngút tại một số nhà dân.

Qua tìm hiểu được biết, từ lâu nghề hầm than đã trở thành nghề mang lại nguồn sống cho nhiều hộ dân ở đây. Tuy nhiên, vào thời điểm khô hạn như hiện nay thì nghề hầm than lại trở thành một mối “đe dọa” của rừng. Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, mùa nắng hạn có khoảng 90% diện tích rừng U Minh Hạ có nguy cơ cháy cao.

Lực lượng chức năng túc trực quan sát 24/24 các khu rừng ở U Minh Hạ.
Lực lượng chức năng túc trực quan sát 24/24 các khu rừng ở U Minh Hạ.
Lực lượng chức năng túc trực quan sát 24/24 các khu rừng ở U Minh Hạ.
Những lò hầm than nghi ngút khói trong thời tiết nắng nóng, khô hạn hiện nay trở thành mối "đe dọa" cho các khu rừng.

Một cán bộ kiểm lâm ở đây cho biết, dẫu biết hầm than vào cao điểm mùa chống cháy là việc làm bị cấm nghiêm ngặt nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên người dân trên lâm phần vẫn tiếp tục hành nghề. Được biết, đây cũng là một trong những nguyên nhân mà ngành chức năng khó xử lý triệt để việc hầm than của người dân.

Trước những khó khăn về đời sống của người dân, ông Lê Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - yêu cầu các ngành chức năng, địa phương cần tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân như tạo việc làm, đào tạo nghề, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân, góp phần giảm áp lực tác động vào rừng. Phó Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, vận dụng tối đa các chính sách để hỗ trợ người dân.

Huỳnh Hải - Tuấn Thanh