1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Rộn ràng Xuân sớm ở làng “gói Tết”

(Dân trí) - Đã từ lâu thương hiệu bánh chưng xanh Vĩnh Hòa (xã Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường. Những ngày giáp Tết nguyên đán không khí càng trở nên tất bật rộn rã khi lượng khách đổ về đặt bánh tăng cao.

Không ai nhớ được nghề bánh chưng ở Vĩnh Hòa có từ bao giờ. Những cụ cao tuổi trong làng chỉ nhớ cái nghề bánh chưng có từ lâu lắm rồi. Người dân ở đây trước thường gói những cặp bánh nhỏ chạy chợ sinh sống qua ngày. Rồi dần già năm này qua năm khác bánh chưng Vĩnh Hòa ngon, lá lại xanh đều đẹp, nếp dẻo thơm nên người ta tìm về đặt mua và cứ thế trở thành cái nghề thôi.
 
Bánh chưng xanh Vĩnh Hòa

Bánh chưng xanh Vĩnh Hòa
 
Hiện Vĩnh Hòa có hơn 300 hộ thì hơn 2/3 số hộ làm nghề gói bánh chưng. Ngày thường các hộ trong làng gói bánh bán ở các chợ lớn nhỏ trong vùng, và cung cấp cho thị trường ở các huyện như: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP Vinh… Còn những ngày cận Tết lượng khách tìm về đặt bánh tết càng tăng cao.

Trên khắp đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng thấy người dân chuẩn bị lá dong, chẻ lạt giang,... Được xem là gia đình gói nhiều bánh, thuộc vào hàng ngon nhất trong làng chị Nguyễn Thị Khuyên chia sẻ: “Nhà tôi gói bánh đã hơn 20 năm nay rồi. Cứ mỗi dịp lễ tết là người dân ở khắp nơi tìm về đặt bánh ăn, hay như các doanh nghiệp, trung tâm, nhà hàng, khách sạn… cũng về đặt với số lượng lớn. Trung thu năm vừa qua nhà tôi nhập được đơn đặt hàng hơn 2.000 cặp bánh chưa kể những đơn đặt hàng nhỏ. Gia đình phải thuê them thợ gói mới kịp…”.

Để chuẩn bị vào vụ bánh tết người dân ở đây chuẩn bị các khâu như: lá dong, lạt giang, gạo nếp (nếp Hà Nội, nếp Thái Lan), hành củ, đậu (làm nhân) hay chọn những con lợn ngon để lấy làm nhân bánh. Tất cả đều phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
 
Ngoài lá dong, lá chuối còn được sử dụng để bánh có màu xanh đẹp

Ngoài lá dong, lá chuối còn được sử dụng để bánh có màu xanh đẹp
 
Ông Lưu Đức Bằng - Trưởng xóm Vĩnh Hòa chia sẻ: “Thường mỗi dịp tết các hộ làm bánh chưng cũng thu lãi khoảng 30 - 70 triệu tiền trong 5 ngày tết (bắt đầu từ 25-12 Âm lịch). Người về đặt hàng thì nhiều nhưng do không đủ nhân lực và thời gian gấp gáp nên họ cũng nhận hàng với số lượng hạn chế. Cứ đến 24 âm lịch là các hộ bắt đầu căng bạt ra sân, nhà nhà, người người ngồi gói bánh chưng, từ đầu làng cuối xóm nơi đâu cũng thơm phức mùi bánh”.

Đang say sưa bên chiếc bánh cuối cùng của buổi chiều đông giá lạnh, bà Lê Thị Phước vui vẻ: “Dù có nhiều làng nghề gói bánh chưng nhưng bánh ở Vĩnh Hòa vẫn khá nổi tiếng nhất vì lá xanh, nếp dẻo thơm ăn một lần là nhớ mãi. Cũng bởi thế mà người ta dù xa đến đâu cũng tìm về đặt bánh ở đây để ăn tết và làm quà biếu. Mỗi vụ bánh tết nhà tôi nhận được khoảng 50 triệu tiền hàng, có năm khách đặt nhiều làm không xuể phải thuê thêm người làm mới kịp. Chất lượng bánh dù to hay nhỏ đều thơm ngon như nhau giá tiền chỉ khác ở kích cỡ của bánh. Khách đặt bánh lớn thì giá càng cao”.

Những năm trở lại đây, cuộc sống trở nên bận rộn để tiết kiệm thời gian nhiều hộ gia đình đã chọn cách mua sẵn bánh chưng. Vì vậy mà người dân Vĩnh Thành thường gọi vui nghề của mình là nghề “gói tết” cho muôn nhà.

Từ năm 2005, làng bánh chưng Vĩnh Hòa được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề truyền thống. Sắp tới với Vĩnh Hòa sẽ được đầu tư nang cấp hệ thống đường giao thông, hệ thống mương thoát nước và xử lý nước thải cũng như kho dự trữ nguyên liệu để người dân chủ động hơn trong nguồn cung. Đây cũng chính là một cơ hội để thương hiệu bánh chưng Vĩnh Hòa vươn xa hơn nữa tới các thị trường trong nước.

Ngoài lá dong, lá chuối còn được sử dụng để bánh có màu xanh đẹp
Đã từ lâu bánh chưng xanh Vĩnh Hòa đã khẳng định được cho đứng thương hiệu của mình với hương vị riêng biệt, dẻo thơm lạ thường.  

Nguyễn Tình - Lany Nguyễn