1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quyền phúc quyết thể hiện người dân là chủ sở hữu nhà nước

(Dân trí) - “Quyền lập hiến là quyền tự nhiên thuộc về nhân dân. Vì vậy phúc quyết Hiến pháp cũng là quyền đương nhiên với ý nghĩa nhân dân là chủ sở hữu của Hiến pháp, lập ra nhà nước…” - qua Dân trí, nhiều độc giả góp ý về nội dung phúc quyết Hiến pháp.

Trong văn bản góp ý gửi tới Dân trí, Đại tá Nguyễn Huy Viện (Học viện Quân y) đặt vấn đề, Hiến pháp là nền tảng dân chủ và nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh; đồng thời là sự ủy thác của nhân dân cho các thiết chế chính trị thực hiện quyền lực của chính nhân dân. Quyền lực của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án… không phải là vốn có của các tổ chức này mà do nhân dân giao phó. Vì vậy các tổ chức trong bộ máy nhà nước phải cam kết thực hiện đúng, đầy đủ ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Phân tích ở góc độ này, ông Viện lập luận, Hiến pháp là bản khế ước giữa nhân dân với nhà nước. Vì vậy, bản khế ước đó phải được nhân dân phúc quyết thì mới có giá trị và mới có ý nghĩa.
Quyền phúc quyết thể hiện người dân là chủ sở hữu nhà nước

Đây là thông lệ và cũng là yêu cầu bắt buộc trong lập hiến của hầu hết các quốc gia trên thế giới khi xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. “Những quan niệm cho rằng Quốc hội có quyền hiến định và quyết định các vấn đề trọng yếu của đất nước như chọn mô hình nhà nước, chế độ chính trị, quyền sở hữu… là chưa hiểu đúng bản chất của hiến pháp” - độc giả viết.

Ông Viện cũng khái quát, kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới (1986) đến nay đã 27 năm, ban hành Hiến pháp 1992 đến nay đã hơn 20 năm, đánh giá một cách khách quan, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, Việt Nam về thực chất vẫn là một nước kém phát triển và lạc hậu quá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, chỉ với thời gian 20 năm, các nước Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan… đều từ những nước nghèo nàn đã vượt lên trở thành những “con hổ”, “con rồng” được cả thế giới nể phục. Nguyên nhân cơ bản các nước này đạt được những thành tựu vĩ đại là nhờ họ đã mạnh dạn tiếp thu tinh hoa của nhân loại, không chỉ về giáo dục, khoa học và công nghệ, đường lối phát triển kinh tế mà cả trong lập hiến, xây dựng thể chế chính trị.

Vì vậy, theo ông Viện, để đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân, không có cách nào khác, sửa đổi Hiến pháp lần này vừa phải bảo tồn những giá trị bản sắc vừa phải kiên quyết và dũng cảm loại bỏ những vấn đề bất cập, lạc hậu, khác biệt với thông lệ lập hiến quốc tế. Nhắc lại phát biểu của TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi nói về việc sửa Hiến pháp: “Chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai”, ông Viện quả quyết, phải thừa nhận, tiếp thu vào Hiến pháp những giá trị lập hiến của nhân loại trở thành phổ quát trên thế giới.

Cùng chung quan đểm này, một nhóm cán bộ trẻ - những cựu sinh viên ĐH Luật Hà Nội, Khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện là các phóng viên, luật gia cũng nêu kiến nghị cơ quan soạn thảo ghi nhận và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp.

Văn bản góp ý gửi đến Dân trí của nhóm cán bộ này nêu lập luận, quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền quyết định đối với Hiến pháp của nhân dân, thông thường được tiến hành thông qua thủ tục trưng cầu dân ý. Trên thực tế, quyền phúc quyết Hiến pháp đã được thừa nhận tại Điều 21 (Hiến pháp năm 1946) và là quy định phổ biến tại các quốc gia văn minh trên thế giới. Mặc dù vậy, qua các bản Hiến pháp và các lần sửa đổi, bổ sung sau này, quyền phúc quyết Hiến pháp không còn được ghi nhận.

“Quyền lập hiến là quyền tự nhiên thuộc về nhân dân và vì vậy quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân cũng là đương nhiên. Nhân dân là chủ sở hữu của Hiến pháp, với ý nghĩa của Hiến pháp là một thỏa thuận của nhân dân với nhau về việc lập ra một nhà nước và thiết kế những nguyên tắc cùng chung sống trong một xã hội. Hiến pháp là của nhân dân và hướng tới phục vụ lợi ích của nhân dân. Do đó, nhân dân là người phải trực tiếp quyết định các nội dung của Hiến pháp. Việc ghi nhận và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết đối với Hiến pháp là việc tất yếu phải thực hiện và đây chính là thời điểm cần phải thực hiện việc này” – luật gia Trần Duy Bình, đại diện nhóm cán bộ trẻ phát biểu.

Hơn nữa, văn bản góp ý của nhóm cũng phân tích khía cạnh, từ quyền lập hiến thuộc về nhân dân mới sinh ra các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, được nhân dân quyết định trao cho nhà nước để quản lý xã hội. Bản Hiến pháp hiện hành cũng đã quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Điều đó có nghĩa là, nhân dân có quyền quyết định đối với việc phân bổ quyền lực nhà nước. Việc Quốc hội - một bộ phận của nhà nước - nắm giữ quyền lập hiến, quyết định Hiến pháp thay cho nhân dân, như vậy, chưa phù hợp với nguyên tắc này.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được tiến hành theo thể thức: Quốc hội biểu quyết thông qua một Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 1992, và Nghị quyết này của Quốc hội sẽ làm thay đổi nội dung Hiến pháp. Điều đó cũng chưa hợp lý vì Nghị quyết của Quốc hội là văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn Hiến pháp lại được trao quyền để thay đổi nội dung Hiến pháp.

Văn bản góp ý viết: “Chúng tôi cho rằng, một bản Hiến pháp ban hành mà không thông qua thủ tục phúc quyết sẽ mất đi phần lớn ý nghĩa vốn có để cộng đồng quốc tế ghi nhận”.

Từ những lập luận đó, nhóm cán bộ trẻ kiến nghị bổ sung quy định ghi nhận quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Tiến hành thủ tục để nhân dân phúc quyết Hiến pháp trong lần sửa đổi này một cách dân chủ, công bằng và minh bạch. Việc Hiến pháp hiện hành không quy định thủ tục phúc quyết Hiến pháp không cản trở thủ tục này được tiến hành, bởi phúc quyết Hiến pháp là quyền tự nhiên, vốn có của nhân dân.

P.Thảo