1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sửa đổi Hiến pháp:

Quyền lập hội, biểu tình sẽ được triển khai mạnh mẽ

(Dân trí) - “Quyền con người được quy định rõ hơn với những điểm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Quyền lập hội, quyền biểu tình… khi sửa đổi Hiến pháp thì sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn” - Chủ tịch Hội luật gia VN Phạm Quốc Anh nhận xét.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2115/Gop-y-kien-sua-doi-Hien-phap.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp</b></a>

Chủ tịch Hội luật gia Phạm Quốc Anh cùng Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên cùng tham gia tọa đàm trực tuyến về lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngày 23/1.
Quyền lập hội, biểu tình sẽ được triển khai mạnh mẽ

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH, Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Văn Phúc phân tích, tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam đều quy định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là nguyên tắc lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là xác định hình thức để nhân dân thực hiện.

Hiến pháp hiện hành quy định hình thức thực hiện thông qua Quốc hội và HĐND, tức qua cơ chế dân chủ đại diện. Tổng kết thi hành Hiến pháp cho thấy quy định như thế là không đủ. Do đó, ông Phúc chỉ rõ, điều 6 dự thảo bổ sung nhiều hình thức mới, không chỉ thông qua cơ quan quyền lực mà các cơ quan nhà nước khác cũng chịu trách nhiệm cho nhân dân thực hiện. Ông Phúc đánh giá đây là thay đổi lớn.
 

Trang duthaoonline của Quốc hội đến nay đã nhận được 630 ý kiến, tập trung vào chế độ chính trị, quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Cụ thể, có 209 ý kiến về chế độ chính trị, 5 ý kiến ở điều 4 về Đảng. Điều 13 nói về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh cũng rất được quan tâm với 26 ý kiến. Trong đó, rất nhiều ý kiến rất thú vị, cụ thể, đáng phải suy nghĩ.

Vấn đề quyền và nghĩa vụ của công dân nhận được 153 ý kiến. Điều 21 về quyền sống (nội dung mới) nhận 22 ý kiến, chứng tỏ mức độ quan tâm của người dân về những nội dung bổ sung phù hợp với các công ước quốc tế.

Điểm mới khác trong dự thảo Hiến pháp là quy định vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp xác định thẩm quyền từng cơ quan trong bộ máy, quy định mối quan hệ rõ ràng hơn giữa các cơ quan; đề cao quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, quy định quyền lập hội để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước; thiết lập một số thiết chế hiến định độc lập, thực hiện kiểm soát quyền lực như Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế, dự thảo bổ sung nhiều yếu tố về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong chương II. Hiến pháp ghi nhận 16 quyền con người, kể cả người nước ngoài và người không có quốc tịch.

Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên nêu quan điểm đồng tình với những quy định về quyền con người và quyền công dân. “Trước đây, về quyền con người chúng ta cho là nhạy cảm và né tránh nhưng nay đã thấy đây là giá trị phổ biến của nhân loại” – ông Liên nói.

Ngoài ra, dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này quy định quyền con người, quyền công dân được đảm bảo bằng luật của Quốc hội. Những quyền này chỉ bị hạn chế thực thi trong một số trường hợp nhất định liên quan đến an ninh quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng… Theo ông Liên, đây là nhận thức mới trong cơ chế bảo đảm thực hiện hiện quyền con người của Việt Nam.

Dưới góc độ giới luật gia, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh ấn tượng về việc xác định vị trí vai trò của MTTQ trong giám sát và phản biện. Ông Quốc Anh cho rằng đây thực sự là bước chuyển biến căn bản khi nhà nước đặc biệt coi trọng vị trí của mặt trận trong giám sát phản biện xã hội.

Việc nói rõ hơn quyền con người như quyền sống, quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, quyền được hiến mô, tạng, hiến xác là điểm mới nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra còn có quyền lập hội, quyền biểu tình… là những vấn đề mới, bước đầu đã được triển khai và khi sửa đổi Hiến pháp thì sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn.
 

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên: Tập trung đổi mới chính trị

Đất nước ta có 4 bản hiến pháp. Mỗi lần đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới với chính sách mới do Đảng đề ra, chúng ta đều đặt vấn đề sửa đổi hiến pháp. Lần này, Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương mới, đã sửa đổi cương lĩnh 1991, sửa đổi một số chính sách lớn, đòi hỏi chúng ta phải thể chế hóa Hiến pháp để thực hiện.

Hiến pháp năm 1992 được xây dựng trong bối cảnh chúng ta ở giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới. Đổi mới kinh tế bắt đầu từ năm 1986, đến năm 1991 có cương lĩnh khẳng định đường lối ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị phù hợp. Do đó, Hiến pháp năm 1992 chủ yếu sửa đổi về vấn đề kinh tế, tạo bước chuyển lớn từ cơ chế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, gắn liền với đó là sửa đổi một số vấn đề về cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, chuyển từ cơ chế hoạt động theo nguyên tắc tập thể sang đề cao trách nhiệm cá nhân.

Đến nay, đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở hiến định đẩy mạnh các cuộc cải cách nêu ở trên. Đặc biệt trong Cương lĩnh 1991 được sửa đổi bổ sung theo nghị quyết Đại hội Đảng XI có đề ra chiến lược mới, tức là trước đây ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị thì nay đặt vấn đề đổi mới chính trị và kinh tế đồng bộ. Do đó, lần này sửa đổi Hiến pháp để đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, tạo tiền đề chính trị cho phát triển kinh tế.

P.Thảo