1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quy hoạch Thủ đô theo hướng lan tỏa đi các phía

(Dân trí) - “Các trung tâm tăng trưởng có nghĩa là loại hình các đô thị, các trục kinh tế. Thay vì một trung tâm tăng trưởng của Hà Nội như trước kia thì bây giờ tập trung vào những vùng có trục tăng trưởng đi qua, không rải rác phân tán”.

Đó là lời khẳng định của ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn, về đề án quy hoạch vùng Thủ đô.

 

Được biết, theo dự thảo qui hoạch vùng Thủ đô, Hà Nội sẽ phát triển cả hai bên Bắc và Nam sông Hồng. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

 

Khu vực đô thị phía Nam sông Hồng là khu vực đô thị đã và đang phát triển theo hướng lan toả ra các phía, đặc biệt là khu đô thị mới Tây Nam. Bên cạnh các yêu cầu hình thành các khu ở mới, hiện đại, cao cấp theo hướng xây dựng cao tầng, việc đầu tư phát triển một quần thể trung tâm dịch vụ-du lịch-thương mại (như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm triển lãm - Hội chợ Quốc gia, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình) có hướng đẳng cấp quốc gia, quốc tế là hướng cần thúc đẩy mạnh.

 

Tuy nhiên, quỹ đất tại khu vực trên đã hạn hẹp, do vậy sự mở rộng đô thị sẽ tiếp tục phát triển lan toả nối kết với các địa bàn ráp ranh thuộc Hà Tây là hướng tất yếu và phù hợp với sự phát triển của phân vùng kinh tế phụ cận Hà Nội đã xác định trong quy hoạch tập trung kinh tế - xã hội của Hà Tây.

 

Khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng là dự án phát triển khu đô thị mới lớn nhất của Thủ đô (hiện thuộc huyện Đông Anh), qui mô được dự kiến có thể tới 0,8-1 triệu dân, trong đó hạt nhân phát triển là khu vực trung tâm thương mại-đô thị (khu vực Phương Trạch), một tổ hợp trung tâm gắn với sự phát triển của một đầu mối giao thông quốc gia tổng hợp và trung tâm dịch vụ hàng không, đô thị hàng không tại khu vực Nội Bài.

 

Phía Bắc khu vực cần mở rộng qui mô của đô thị Sóc Sơn theo hướng trở thành đô thị phát triển các dịch vụ công nghiệp gắn với trung tâm đào tạo nghề, dịch vụ du lịch sinh thái, khu vực bảo vệ rừng - mặt nước, bố trí một số các công trình đầu mối hạ tầng cho đô thị (ví dụ như khu xử lý rác thải Nam Sơn) và hơn nữa là quỹ đất dự trữ phát triển.

 

Trong qui hoạch vùng Thủ đô cũng đề cập đến việc quy hoạch các trung tâm tăng trưởng, thưa ông?

 

Các trung tâm tăng trưởng có nghĩa là loại hình các đô thị, các trục kinh tế, như trục hành lang phát triển Đông - Tây (Côn Minh - Hạ Long và Hải Phòng - Hà Nội), một tuyến vành đai xung quanh Hà Nội, một trục phát triển theo hướng Bắc - Nam (Thái Nguyên - Nam Định) và một trục phát triển duyên hải (Quảng Ninh - Hải Phòng và các tỉnh Duyên hải nam sông Hồng).

 

Hai trục hành lang sẽ có vai trò hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị cho toàn vùng mở rộng, song tuyến hành lang phía Bắc có lợi thế hơn vì nằm trên nền địa hình gò đồi so với hành lang thứ hai qua vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

 

Như thế, thay vì một trung tâm tăng trưởng của Hà Nội như trước kia thì bây giờ tập trung vào những vùng có trục tăng trưởng đi qua, không rải rác phân tán.

 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng mô hình quản lý là vấn đề đặc biệt quan trọng của đề án quy hoạch vùng Thủ đô. Vậy quá trình xây dựng đề án này có tính đến mô hình quản lý hành chính không?

 

Hiện nay ở Việt Nam không có quản lý hành chính cấp vùng như một số nước, do đó trong quá trình thực hiện qui hoạch xây dựng vùng cần có một mô hình thích hợp bao gồm: sự quản lý của Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương và sự tham gia của các tỉnh.

 

Để thực hiện vấn đề này, đồ án đã tham khảo mô hình quản lý của nhiều nước trên thế giới và cùng với chuyên gia nước ngoài kiến nghị mô hình quản lý vùng bao gồm hai giai đoạn.

 

Giai đoạn 1, Ban chỉ đạo về qui hoạch xây dựng và đầu tư vùng Thủ đô thực hiện: Quản lí dự án đối với những dự án đầu tư và phát triển chính; Điều phối các chương trình, dự án đầu tư với các đặc tính quốc gia, vùng và giữ vững hệ thống thông tin vùng; Xây dựng khuôn khổ thể chế cho Cơ quan phát triển vùng Thủ đô Hà Nội.

 

Giai đoạn 2, Hội đồng cơ quan phát triển vùng Thủ đô Hà Nội sẽ: Quản lý quy hoạch xây dựng vùng, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cấp vùng, quốc gia và quan hệ tỉnh -  thành phố; Tạo điều kiện huy động nguồn vốn; Nghiên cứu, xây dựng và soạn thảo các chiến lược phát triển; Hợp tác quốc tế và hợp tác với các tổ chức ở các vùng khác trong nước; Giải quyết các mâu thuẫn phát triển giữa tỉnh - thành phố trong quá trình phát triển.

 

Ông từng nói rằng, việc đi lại trong vùng thủ đô chỉ hết 60 phút, vậy 60 phút này được tính trên cơ sở nào?

 

Đối với vùng đô thị lớn chi phí thời gian đi lại là tiêu chí đặc biệt quan trọng để đánh giá chất lượng hệ thống giao thông và cấu trúc của hệ thống đô thị trong vùng. Chi phí thời gian di chuyển khoảng 60 phút là chi phí thời gian đi lại hợp lý của người dân đô thị, đặc biệt với các đô thị xung quanh đến thành phố trung tâm.

 

Qui hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội xác định tiêu chí chi phí thời gian chuyến đi khoảng 60 phút để làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển hệ thống đô thị vùng Hà Nội và đặc biệt đề xuất định hướng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng Thủ đô.

 

Với đề án quy hoạch này, vành đai 4 của Hà Nội được tính như thế nào?

 

Chúng ta sẽ xây dựng mới tuyến đường vành đai cao tốc vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 4 có bán kính phân bố trung bình từ 25-30km, phục vụ giải tỏa lưu lượng ô tô quá cảnh trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ hướng tâm vào thành phố hạt nhân, đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và đảm bảo phân bố hợp lý hệ thống đô thị vệ tinh xung quanh Thủ đô Hà Nội.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Lan Hương - Kim Tân

(thực hiện)