1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quy hoạch Thủ đô để phát triển bền vững

(Dân trí) - Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đô thị đến 2050 cần đạt những tiêu chí của một thủ đô phát triển bền vững với môi trường sống, sinh hoạt giải trí chất lượng cao, môi trường làm việc và đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đó là nội dung trong Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ Xây dựng về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu bao gồm phạm vi nghiên cứu liên vùng (đó là không gian kinh tế xã hội cả nước, trực tiếp liên quan với các tỉnh nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội; các tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các nước trong khu vực ASEAN).

Và phạm vi nghiên cứu trực tiếp (toàn bộ diện tích của Thủ đô Hà Nội khoảng 3.344,47km2 bao gồm: Hà Nội cũ, tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình).

Hiện trạng dân số của Thủ đô Hà Nội năm 2008 khoảng 6,23 triệu người. Dự báo quy mô dân số của Thủ đô Hà Nội dài hạn tới năm 2030 đạt khoảng 10 triệu người.

Bộ Xây dựng cho biết, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đô thị đến 2050 phải nằm trong mối liên kết phát triển của Thủ đô Hà Nội với Vùng Hà Nội và các vùng địa lý - kinh tế Bắc Bộ và trong cả nước để đạt những tiêu chí của một Thủ đô phát triển bền vững với nền kinh tế phát triển, môi trường sống, sinh họat giải trí với chất lượng cao, môi trường làm việc và đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Theo tờ trình, có 12 nội dung được nghiên cứu lập quy hoạch. Cụ thể là: Khảo sát đánh giá thực trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thực trạng quy hoạch xây dựng; Mối liên hệ vùng Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh trong nước và quốc tế;

Xác định các tiềm năng, động lực phát triển cho Thủ đô Hà Nội; Định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050; Đề xuất các giải pháp quy hoạch đối với từng khu vực chức năng; Định hướng phát triển các trung tâm chính của Thủ đô Hà Nội;

Định hướng sử dụng đất đai đến năm 2030; Định hướng xây dựng khung hạ tầng kĩ thuật đến năm 2030; Các vấn đề liên quan đến bảo tồn và di sản kiến trúc; Quy hoạch xây dựng ngắn hạn và chương trình, dự án ưu tiên đầu tư; Quản lý quy hoạch; Đề xuất giải pháp khai thác các nguồn vốn đầu tư.

Cơ quan tổ chức lập, thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch là Bộ Xây dựng với cơ quan phối hợp chính là UBND Thành phố Hà Nội. Cơ quan nghiên cứu, đề xuất quy hoạch bao gồm tư vấn chính và tư vấn phụ.

Trong đó, tư vấn chính là Liên doanh tư vấn Perkin Eastman (Mỹ) - Jina và Posco e&c (Hàn Quốc). Tư vấn phụ bao gồm: Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị Nông thôn (Bộ Xây dựng), Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và một số cơ quan, chuyên gia nghiên cứu khác.

Thời gian lập quy hoạch trong khoảng 12 tháng sau khi nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian đến khi phê duyệt quy hoạch không vượt quá 18 tháng.

Lan Hương