1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Quốc hội không “ngồi xem” khủng hoảng

(Dân trí) - Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII khai mạc vào ngày 20/5 tới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội (QH) về gói kích cầu. QH liệu có thông qua giải pháp kích cầu này của Chính phủ?

Trao đổi với Dân trí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã thể hiện rõ quan điểm của mình về vấn đề này khi cho biết QH sẽ tiếp tục kề vai sát cánh với Chính phủ.
 
Ông Hiển khẳng định: “Quốc hội không “ngồi xem” khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động lên kinh tế trong nước”.
 
Quốc hội không “ngồi xem” khủng hoảng - 1

Một phần kinh phí của gói kích cầu sẽ cho nông dân vay tiêu dùng (ảnh minh họa).
 
Chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc có ý “trách” QH “họp không thường xuyên, một năm chỉ họp 2 kỳ. Nếu chủ trương kích cầu đợi đến kỳ họp ngày 20/5 mới trình thì lúc đó doanh nghiệp "chết hết" rồi!”. Ông có chia sẻ với tâm trạng này của Bộ trưởng?
 
Trong triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát trước đây và bây giờ là chống suy giảm kinh tế, QH, các cơ quan của QH luôn chung lưng đấu cật với Chính phủ, chủ động tham gia ngay từ đầu với Chính phủ và có những ứng xử kịp thời, hợp lý.
 
Thực tế, ngay khi suy thoái kinh tế thế giới xảy ra tác động đến kinh tế trong nước, tại Kỳ họp thứ Tư (Khóa XII, tháng 11/2008), QH đã đưa ra những nhận định, đánh giá tình hình.
 
Chính vì thế, trong Nghị quyết của QH về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, QH nêu rõ, cho phép Chính phủ chủ động trong việc miễn, giảm một số loại thuế (trừ thuế thu nhập cá nhân). QH cũng tạo điều kiện để Chính phủ linh hoạt và chủ động trong việc xử lý những vấn đề nảy sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành nền kinh tế.
 
Quốc hội không “ngồi xem” khủng hoảng - 2

Phùng Quốc Hiển.

Thông qua nhiều kênh như Hội nghị giữa Lãnh đạo QH với Thường trực Chính phủ, các phiên họp của Ủy ban thường vụ QH, các cuộc làm việc giữa UB chuyên môn với các Bộ, ngành... QH đã thực sự vào cuộc. 
 
QH đã thể hiện rõ vị thế, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, phản ứng kịp thời và hợp lý trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước.
 
Lần đầu tiên Việt Nam tiến hành giải cứu kinh tế bằng gói kích cầu với quy mô lớn như vậy nhưng Chính phủ lại chưa trình QH quyết định trước khi thực hiện. Liệu QH có đồng cảm với quyết định này của Chính phủ?
 
Phải khẳng định, gói kích cầu mà Chính phủ triển khai trong thời gian qua nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế là hoàn toàn hợp lý, bước đầu đã mang lại hiệu quả.
 
Cụ thể, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, GDP của nhiều nước giảm xuống mức âm thì Việt Nam (một trong số không nhiều quốc gia) đạt mức tăng GDP dương, mặc dù tốc độ tăng không cao.
 
QH sẽ tiếp tục kề vai sát cánh với Chính phủ và nhiệm vụ của QH, các cơ quan của QH hiện nay là phải thực hiện tốt và chặt chẽ chức năng giám sát, bảo đảm các chính sách hỗ trợ hay gói kích cầu đến đúng đối tượng, đúng pháp luật, hiệu quả và ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế.
 
Như vậy, quyết định kích cầu của Chính phủ ra đời rất hợp cảnh, hợp tình, đúng hướng và chắc chắn sẽ được QH tán thành, thưa ông?
 
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới, tăng chi tài chính công hay kích cầu qua ngân sách gần như là miếng võ đầu tiên mà quốc gia nào cũng phải tung ra nhằm ngăn chặn đà suy giảm của kinh tế trong nước. Trong bối cảnh hiện nay, không thể cứng nhắc khi áp dụng các nguyên tắc liên quan đến tài chính, tiền tệ.
 
Nếu cứ nhất nhất với nguyên tắc mọi chi tiêu phải bảo đảm sự cân bằng ngân sách, cân bằng giữa thu - chi, thì có khi nguyên tắc lại trở thành máy hãm, không giúp ích trong việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
 
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, đồng tiền phải được tung ra đúng lúc. Gói kích cầu mà Chính phủ triển khai thực hiện trong thời gian qua là hợp lý, đúng hướng.
 
Xin trân trọng cám ơn ông!
 
Đoàn Trần (thực hiện)