1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Quốc hội đang được đưa món gì ăn món ấy”

(Dân trí) - “QH hiện đang trong tình trạng đưa món gì ăn món đó. Có thể còn những món ngon hơn nhưng QH không biết để chọn” - câu chuyện về tính chủ động của QH khóa XII được đại biểu Ngô Minh Hồng khái quát trong phiên thảo luận tổng kết nhiệm kỳ ngày 28/3.

Nghe Quốc hội thảo luận thì rất “sướng”…

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) phân tích sâu từng lĩnh vực để thấy QH đang bị động. QH quyết ngân sách hàng năm nhưng dự toán ngân sách, từ tháng 8, 9, các tỉnh đã gửi báo cáo dự toán lên Chính phủ tổng hợp để trình kế hoạch ra QH. “QH có muốn thay đổi theo hướng thêm hay bớt thì cũng chỉ nói để nói” - bà Hồng nói.
 
“Quốc hội đang được đưa món gì ăn món ấy” - 1
Đại biểu Ngô Minh Hồng: "Chậm phản ứng sau sự cố điện hạt nhân ở Nhật cũng thể hiện sự hạn chế về tính chủ động của QH" (ảnh: Việt Hưng).

Nhiều kỳ họp, đại biểu bức xúc về vấn đề thuế thu nhập cá nhân, nhất là mức thu nhập khởi điểm chịu thuế nhưng vẫn không thể mang ra bàn được vì Bộ Tài chính lập luận, còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu.

Các dự án quan trọng quốc gia cũng trong tình trạng được đưa ra cái gì QH bàn cái ấy. Dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên cũng là “chẻ nhỏ” để không đưa ra QH nhưng thực chất, tính cả việc xây dựng đường sắt và cảng Kê Gà, số vốn sẽ vượt con số cần áp quy định về dự án quan trọng quốc gia.

Đại biểu cũng dẫn sự kiện điện hạt nhân ở Nhật Bản để kiến nghị, không phải vì QH đã thông qua dự án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận mà không lật lại vấn đề. Bà Hồng cho rằng nên mời một cơ quan thẩm định độc lập, xem lại độ an toàn của 2 nhà máy để nếu cần thiết, chúng ta dừng lại cũng chưa muộn. Bà Hồng cũng phân tích, việc chậm phản ứng cho thấy thêm sự hạn chế về tính chủ động của QH.

Nữ đại biểu khái quát: “QH hiện đang trong tình trạng đưa món gì ăn món đó. Có thể còn những món ngon hơn nhưng QH không biết để chọn”.

Một đại biểu khác của TP.HCM - ông Trần Du Lịch cũng tỏ ý lo ngại, QH là cơ quan cao nhất quyết định việc kiếm tiền nhưng cách làm lại thụ động. Nếu thực sự kiểm soát ngân sách thì không cần thiết Chính phủ phải tính toán trình dự án quan trọng quốc gia vì chuẩn bị không đầy đủ, QH không chi tiền thì không thể làm được.

Cả khóa XII, ông Lịch đánh giá, mọi vấn đề quan trọng, người dân quan tâm đều được đặt lên bàn nghị sự, có thảo luận, có trao đổi thẳng thắn nhưng không đi được đến cùng. Vậy nên “nghe QH thảo luận thì rất “sướng” nhưng sau đó dường như không quyết được gì để giải quyết vấn đề”.

Đại biểu cảnh báo: “Nếu không nâng tính chủ động, khả năng quyết định vấn đề ngân sách lên thì không đạt được quyền lực thực sự của QH”.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nhận định, vấn đề nằm ở vai trò của các cơ quan lãnh đạo QH. Việc mỗi kỳ họp, QH đều nghiêm túc bàn bạc, thảo luận, ra nghị quyết về các vấn đề quan trọng nhưng sau kỳ họp, UB Thường vụ và các cơ quan thường trực chưa thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực thi nên chuyển biến chậm. Ông Cuông lấy ví dụ vụ Vinashin để dẫn chứng.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) kiến nghị giải quyết triệt để đến cùng vụ việc này. Bà Loan khuyến cáo, cần có câu trả lời cuối cùng, không thể để “cụt” như hiện nay, khó có thể lấy lại được tín nhiệm của dân.

Đầu tư 500 - 700 triệu cho một đại biểu  

“Quốc hội đang được đưa món gì ăn món ấy” - 2
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào: "Mỗi đại biểu phải tự ý thức chuyên nghiệp hóa mình" (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đánh giá “điểm sáng” của QH trong nhiệm kỳ XII là tạo ra được không khí dân chủ không chỉ ở nghị trường mà còn trong nhiều mặt đời sống. Cử tri cả nước, từ quán câu chuyện ở quán cà phê tới những diễn đàn trên mạng đã bàn luận về mọi vấn đề của đất nước, từ việc chống tham nhũng tới mở rộng thủ đô, xây dựng đường sắt cao tốc… ông Xuân khái quát là việc đáng mừng.

Tuy nhiên, đại biểu cảnh báo, hoạt động QH có nguy cơ trở nên xơ cứng vì ảnh hưởng, chi phối của cơ quan hành pháp. Đoàn đại biểu QH là cơ quan của UBND tỉnh, trưởng đoàn cũng là lãnh đạo tỉnh, đại biểu do tỉnh giới thiệu, phân công, kinh phí do tỉnh cấp… ông Xuân cho rằng cơ chế này đang hành chính hóa các đại biểu.

Không đồng tình với ý kiến cần tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách để nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của QH, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng nếu chuyên trách mà vẫn giữ cách làm hiện nay sẽ không cải thiện được vấn đề. Theo ông Lịch cần tăng tính chuyên nghiệp ở cả đại biểu chuyên trách lẫn đại biểu kiêm nhiệm.

Mỗi khóa QH, đến 2/3 số đại biểu được thay mới, ông Lịch cho rằng bản thân việc này thể hiện sự không chuyên nghiệp. Đại biểu đề nghị phải tăng bộ máy giúp việc của QH. “Có tăng tới 100% đại biểu chuyên trách vào khóa tới nhưng bộ máy giúp việc vẫn vậy thì không khác việc tăng bác sỹ mà không tăng ý tá, hộ lý… vẫn không thể giải quyết công việc. Mà để đại biểu làm những việc như một anh chuyên viên thì… phí quá” - ông Lịch tặc lưỡi.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, bản chất QH Việt Nam không phải chuyên trách, bản thân mỗi đại biểu phải tự ý thức trách nhiệm của mình, không thể ngồi trông chờ vào các “đồng nghiệp” chuyên trách.

Ông Đào khẳng định, chuyên nghiệp hóa bản thân là nghĩa vụ của mỗi đại biểu vì “mỗi khi bầu chúng ta, nhà nước, nhân dân mất 500-700 triệu đồng/đại biểu mỗi khóa”.

P.Thảo