1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh phải khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển

(Dân trí) - Quảng Ninh phải là trung tâm phát triển của phía Bắc, là phên dậu vững chắc góp phần giữ gìn non sông bờ cõi, là động lực đóng góp cho sự hưng thịnh quốc gia.

Quảng Ninh phải khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm v iệc với tỉnh Quảng Ninh

Qua đó, không chỉ là trung tâm phát triển của vùng Đông Bắc mà phải là trung tâm phát triển của phía Bắc cả nước, là phên dậu vững chắc giữ gìn non sông, bờ cõi, là động lực đóng góp cho sự hưng thịnh quốc gia - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh diễn ra tại TP Hạ Long vào sáng nay (24/5).

Cùng dự buổi làm việc, có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký đã cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ đã 4 lần về thăm, làm việc, chỉ đạo công tác; sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương... đối với tỉnh thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện, nâng cao. An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.

Quảng Ninh không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm sâu từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,52% năm 2019, trong đó có 3 địa phương cấp huyện là Cô Tô, Cẩm Phả, Uông Bí không còn hộ nghèo.

Quảng Ninh phải khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển - 2

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững...

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, trước những tác động từ dịch COVID-19 đến các ngành, lĩnh vực kinh tế, từ tháng 2/2020, Quảng Ninh đang tích cực xây dựng, triển khai các chính sách, giải pháp nhằm khôi phục lại sự phát triển KT-XH, nhất là ở các ngành du lịch, dịch vụ.

Đặc biệt, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, tỉnh triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách kích cầu du lịch, phát triển dịch vụ, tăng cường thu hút đầu tư,… phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất. Qua đó, quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng của địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành 16 nội dung liên quan như: Phát triển các KKT, KCN của tỉnh; giao thông; đất đai; nông nghiệp; văn hóa-xã hội.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh về những kết quả toàn diện đã đạt được trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đối ngoại, đảm bảo an ninh quốc phòng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH… Bài học từ Quảng Ninh đã góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt ấn tượng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Quảng Ninh mặc dù có nhiều sự thay đổi trong nhân sự nhưng vẫn tiếp tục giữ được một tập thể đoàn kết, thống nhất, có ý chí, có khát vọng phát triển. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đưa một địa phương có quy mô lớn về kinh tế như Quảng Ninh đi đến thành công.

Thủ tướng cũng khẳng định, Quảng Ninh là một trong những địa phương thời gian qua thực hiện rất quyết liệt, mạnh mẽ, có nhiều cách làm mới, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, đóng góp chung vào thành công của quốc gia trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, dù là địa phương chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn giữ được đà phát triển.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã có những kết quả rất đáng biểu dương trong huy động các nguồn lực phát triển; đầu tư hạ tầng giao thông như: Đường cao tốc, sân bay, cảng biển theo hình thức PPP; đẩy mạnh thu hút đầu tư; cải cách hành chính; tinh gọn bộ máy, biên chế; sáp nhập đơn vị hành chính, nhất là nhập Hoành Bồ vào Hạ Long tạo ra xung lực phát triển rất lớn của tỉnh; an sinh xã hội;…

Quảng Ninh phải khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển - 3

Thủ tướng mong muốn, Quảng Ninh... là phên dậu vững chắc giữ gìn non sông, bờ cõi; là động lực vững chắc đóng góp cho hưng thịnh quốc gia.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Quảng Ninh chính là hình mẫu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các địa phương trong cả nước. Từ Quảng Ninh có thể đúc kết thành 5 bài học quan trọng. Đó là: Giá trị về bài học quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về du lịch; tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chuẩn mực quốc tế; thu hút và phát huy vai trò của các nhà đầu tư tư nhân như "sếu đầu đàn"; phát huy vai trò tính năng động, sáng tạo, quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân; chia sẻ thành quả về phát triển đến người dân theo những mục tiêu về phát triển môi trường bền vững.

Thủ tướng đánh giá những tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển của Quảng Ninh vẫn còn rất lớn, cần phải được khai thác hiệu quả. Đặc biệt là về yếu tố con người năng động, sáng tạo, tư duy đổi mới; hạ tầng phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; nhiều cảnh quan đẹp, di tích lịch sử, bản sắc văn hóa đặc sắc;...

Thủ tướng đề nghị, tỉnh cần có chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, nhất là phát triển kinh tế du lịch mũi nhọn, cần tiếp tục xem xét, kiểm điểm, nhìn nhận thấu đáo, nghiêm túc những điểm nghẽn trong quá trình phát triển và từ đó có giải pháp tháo gỡ. Cần đổi mới chính mình, không chủ quan về những thành quả đã đạt được. Cùng với đó, cần chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Thủ tướng cơ bản đồng tình, nhất trí và chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết sớm cho tỉnh; với những đề xuất vượt thẩm quyền giải quyết của Bộ, ban, ngành thì tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ.

 An Nhiên