1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Quảng Nam yêu cầu xả lũ hồ chứa để đón lũ

(Dân trí) - Trước thông tin siêu bão gây mưa lớn có thể đổ bộ vào đất liền, chiều ngày 8/11, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện thực hiện điều tiết, đưa mực nước hồ về cao trình mực nước đón lũ theo quy trình được duyệt.

Hiện Quảng Nam có 73 hồ chứa, trong đó có 46 hồ chứa đã tích đầy nước, còn lại 27 hồ đã tích từ 70-80% dung tích.


Cụ thể, hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang ở cao trình 157,8m, lưu lượng nước về hồ là 556,67m3/s và đang phát điện với lưu lượng 230m3/s. Hồ thủy điện A Vương đang ở cao trình 379,46m, lưu lượng nước về hồ 137,4m3/s, lượng xả 35m3/s, lượng phát điện 78m3/s. Nước hồ thủy điện Đăk Mi 4 đang ở cao trình 257,62m, lưu lượng về hồ 245,11m3/s, lưu lượng xả 346m3/s, lượng phát điện 100m3/s.

Tỉnh Quảng
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các thủy điện xã lũ để đảm bảo an toàn khi bão Haiyan đổ bộ vào


Chiều ngày 8/11, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương để bàn các biện pháp ứng phó với bão Haiyan, ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã chỉ đạo các thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 khẩn trương xả nước xuống cao trình đón lũ đúng quy định. Trong đó hồ thủy điện A Vương điều tiết nước xuống cao trình 376m và Đăk Mi 4 điều tiết xuống 255m trước 0 giờ ngày 9/11.


Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, vẫn còn 23 tàu cá xa bờ cùng 673 lao động của huyện Núi Thành đang hoạt động trên biển.


Trong đó có 4 tàu cùng 153 lao động đã neo đậu tại âu thuyền thuộc đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). 11 tàu và 411 lao động đang hoạt động trên khu vực nguy hiểm có tọa độ 7030’N - 1100E  và 1 tàu QNa 91819 cùng 15 lao động đang di chuyển lên phía Bắc và có thể sẽ vào trú bão ở quần đảo Hoàng Sa.


Hiện Bộ đội Biên phòng vẫn đang giữ liên lạc với từng tàu và đang kêu gọi các tàu này nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm vào bờ trú ẩn hoặc chạy sâu xuống phía Nam để tránh bão.


Cũng trong chiều ngày 8/11, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – Lê Phước Thanh cũng đã có công điện khẩn gởi các địa phương trong tỉnh sẵn sàng các biện pháp để ứng phó với “siêu bão” Haiyan sắp đổ bộ vào.


Theo đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương huy động tất cả mọi biện pháp, tất cả mọi lực lượng để chủ động đối phó; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão.


Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khẩn trương tổ chức thực hiện di dời, sơ tán dân triệt để đến nơi an toàn, đặc biệt là sơ tán nhân dân các làng ven biển tới các nhà, công trình kiên cố cách bờ biển tối thiểu 500m, đề phòng sóng biển cao trên 8m, đảm bảo xong trước 19 giờ ngày 9/11.

Công tác chằng chống nhà cửa cũng được người dân ven biển Quảng
Công tác chằng chống nhà cửa cũng được người dân ven biển Quảng Nam khẩn trương tiến hành trong chiều 8/11

 

Đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ cho đến khi bão tan. Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các cấp khẩn trương tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt theo địa bàn đã được phân công…


Cũng trong ngày 8/11, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã họp khẩn để triển khai công tác phòng chống bão số 13, cơn bão Haiyan. Theo đó toàn bộ lực lượng sẽ ứng trực 100% cùng 4 xe ô tô, 6 ca nô, sẵn sàng cơ động đi làm nhiệm vụ phòng chống bão khi có lệnh.


Điều động 4 tàu chuyên dụng ứng trực tại Cửa Đại (Hội An), Cửa biển An Hòa (Núi Thành) và Cù Lao Chàm. Chỉ đạo cho các đồn tổ chức tuyên truyền và giúp nhân dân chèn chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền. Rà soát lại các điểm dễ sạt lỡ và dễ xãy ra lũ quét để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Sẵn sàng cùng các địa phương ven biển tổ chức di dời dân khi cần thiết.

Trong vài ngày qua, trên địa bàn Quảng Nam có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 100-150mm. Lượng mưa một số nơi như Phước Sơn 583mm, Trà My 294mm, Thạnh Mỹ 168mm… Mưa to đã làm nhiều tuyến đường lên các huyện miền núi bị sạt lở.

 
Nghệ An: Gần 950 tàu thuyền vẫn hoạt động vùng ven biển
 
Theo báo cáo nhanh số 01/BC-PCLB ngày 08/11/2013 của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An có 4.017 phương tiện trên 20.083 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên các vùng biển. Đến cuối giờ chiều ngày 8/11, các phương tiện đều đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão.

Hiện nay có 947 phương tiện trên 5.800 lao động đang hoạt động vùng ven biển Nghệ An; 218 phương tiện trên 1436 lao động đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung; số còn lại đang neo đậu tại bến an toàn; có 37 phương tiện trên 288 lao động ngoại tỉnh đến neo đậu.

Các hồ chứa nước có tràn xả sâu: gồm các hồ (Vực mấu (+21/TK +21), sông Sào (+75,62/75,7), Khe Canh) sẵn sàng vận hành theo quy trình. Mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ hiện ở mức 199,7m/mực nước dâng BT 200,0m, hiện đang vận hành 01 tổ máy với lưu lượng xả 150m3/s.

Đối với các hồ do ảnh hưởng của bão số 10, số 11 nên đã mở tràn sự cố (Đồn Húng, Kẻ Sặt do công ty Bắc quản lý; Khe Làng, Nghi Công do công ty Nam quản lý) hiện nay thân đập yếu, khi có mưa bão phải có biện pháp di dời dân, bảo vệ tài sản cho vùng hạ du.
 
Tàu thuyền Nghệ An vào bờ tránh bão số 14.
Tàu thuyền Nghệ An vào bờ tránh bão số 14.

Công an tỉnh bố trí lực lượng, tăng cường 800 cán bộ chiến sĩ cho các địa bàn trọng điểm gồm Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, chuẩn bị sẵn sàng giúp dân phòng chống bão lụt, tổ chức phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm,...

Từ tối ngày 8/11, Công tỉnh Nghệ An duy trì lực lượng 100%, tập trung phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, tham gia cứu hộ, cứu nạn tại các huyện tuyến biển, tuyến đê Sông Lam và những địa phương có hồ đập lớn.

Trước diễn biến cơn bão phức tạp, chiều ngày 8/11, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, Nguyễn Xuân Đường đã ra công điện giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh bão, đảm bảo an toàn tối đa cho tính mạng và tài sản của nhân.

Nguyễn Duy

 

 

Công Bính