1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Quảng Nam: Hàng loạt nỗi lo sau bão số 6

(Dân trí) - Chiều nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp đánh giá nhanh tình hình sau khi bão số 6 đi qua. Bên cạnh ghi nhận những thắng lợi trong quá trình đối phó với cơn bão, tỉnh Quang Nam cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề khó khăn cần giải quyết ngay sau khi bão kết thúc.

Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã vượt qua được cơn bão được coi là mạnh nhất từ năm 1954 lại nay. Quảng Nam đã có thể thở vào nhẹ nhõm khi gần như không để thiệt hại về người khi bão đổ vào. Một thắng lợi khác mà cuộc họp đã chỉ ra, đó là cho đến sát khi bão đổ vào, tỉnh vẫn đảm bảo thông tin kịp thời, công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội được duy trì ổn định dù tỉnh đã phải di chuyển một số lượng lớn dân đi trú ẩn.

 

Phần được chờ đợi nhất là tình hình chung sau bão. Dù chưa có tổng kết chính thức, nhưng báo cáo sơ qua cho thấy thiệt hại của Quảng Nam là rất nặng nề. Từ nhà cửa, trường học, trạm xá, đường sá, đê điều cho đến điện lực, bưu điện cũng bị bị thiệt hại nghiêm trọng.

 

Cho đến nay, không chỉ một mình huyện Duy Xuyên mà các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An có tới 50% số nhà lợp bằng tôn bị gió bão đánh phăng. Hầu hết ở các huyện, nhất là thị xã Tam Kỳ, Hội An, dọc theo tuyến đường 1A… cây cối đỗ ngổn ngang, tình hình sạt trượt trên các tuyến giao thông đe doạ đến tính mạng của nhân dân. Tất cả các đội tàu, thuyền tại phường Cửa Đại gần như bị chìm, 2 tàu cao tốc phục vụ du lịch ở Hội An cũng bị cuốn trôi xuống biển.

 

Các doanh nghiệp du lịch cũng được mô tả là tan tác sau trận bão thế kỷ này.

 

Có thể nói, phải mất một thời gian khá dài tỉnh mới có thể đánh giá được thiệt hại về vật chất.

 

Làm thế nào để ổn định được cuộc sống cho người dân là một bài toán nan giải nếu không có sự đồng lòng và tinh thần đoàn kết giữa cấp ủy chính quyền và nhân dân. Phần lớn ý kiến trong cuộc họp chiều nay của tỉnh Quảng Nam tập trung vào việc phải ổn định cuộc sống cho nhân dân một cách nhanh nhất.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hải khẳng định: “Bằng giá nào cũng phải sửa chữa nhà cho dân ở, lo trường cho con em đến trường, bệnh xá để cứu chữa bệnh và nhất là không để dân đói”.

 

Cũng chính vì thế, cuộc họp đã tập trung vào các giải pháp trước mắt, đó là đánh giá khả năng xẩy ra lũ sau bão, tình hình dịch bệnh có thể phát sinh, lương thực thực phẩm. Ông Hải cho biết, tỉnh sẽ tập trung cao độ cho việc đối phó với các loại dịch bệnh dể xẩy ra, như đường ruột, đỏ mắt, nước ăn chân…

 

Đại diện ngành Y tế Quảng Nam cho biết, hiện tỉnh có đủ dự trử thuốc men, hoá chất sẵn sàng giúp dân đối phó nguy cơ bệnh tật bùng phát. Trong nỗ lực giúp dân chống chọi với bệnh tật, Bộ đội biên phòng và ngành y tế tỉnh cam kết đưa xuống Hội An và một số vùng trọng điểm khác 100 quân, cùng y bác sỹ để tiến hành khử trùng, giúp dân dọn vệ sinh môi trường.

 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã giao cho các lực lượng biên phòng, công an, dân quân phối hợp với các địa phương giúp dân sửa chữa nhà cho dân.

 

Một vấn đề khác mà tỉnh cũng đã đặt ra chiều nay là phải tiến hành ngay việc sửa chữa phòng học cho học sinh, để không gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch dạy học của các trường.

 

Cơn bão vô tình đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam một bài toán hóc búa khác, đó là làm thế nào để khắc phục hậu quả của bão ở thị xã Hội An, giúp chính phủ nhanh chống hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh du lịch APEC được tổ chức tại thị xã này. Với chưa đầy hai tuần lễ nữa lãnh đạo tỉnh Quang Nam cam kết làm hết sức mình để khắc phục thị xã năng động này.

 

Có thể nói không khí khắc phục hậu quả của bão đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Chắc chắn những ngày tới, tỉnh sẽ huy động toàn bộ sức mạnh cho việc tái thiết Quảng Nam sau bão.

 

Dân trí sẽ thông tin tiếp những diễn biến sau bão ở Quang Nam.

 

Văn Dũng

Dòng sự kiện: bão số 6 - 2006