1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Quốc Trượng từng “giải cứu” ông Tiến?

Năm 2002, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) đã quyết định thanh tra việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai cầu Hoàng Long.

Đoàn Thanh tra do ông Phạm Văn Đa, Vụ phó Vụ Thanh tra Kinh tế I làm trưởng đoàn. Sau hơn 2 tháng thanh tra, ngày 2/5/2003, Đoàn thanh tra đã có kết luận thanh tra về dự án này. Theo đó, thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư (PMU18 - lúc đó ông Nguyễn Việt Tiến đang làm Tổng Giám đốc) và các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công…

 

Đầu tiên là những sai phạm từ khâu thẩm định. Do công tác thẩm định của Bộ GTVT tiến hành chưa đầy đủ và thiếu sự tham gia góp ý của các bộ ngành liên quan dẫn đến quyết định đầu tư phải thay đổi 2 lần.

 

Nội dung thay đổi trong các quyết định đầu tư là rất lớn, cụ thể thay đổi vị trí cầu Hàm Rồng vượt sông Mã, thay đổi cống chui qua đường sắt bằng cầu vượt đường sắt, mở rộng nền, mặt đường đầu cầu, bổ sung đường lên xuống các đầu cầu… làm vốn đầu tư tăng từ 83,5 tỷ đồng lên hơn 224 tỷ đồng.

 

Trong quá trình thực hiện đầu tư, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã gây thất thoát, lãng phí số tiền trên 2,8 tỷ đồng.

 

Chỉ là lỗi chính tả (?)

 

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng đoàn Thanh tra Phạm Văn Đa cho rằng “đây chỉ là lỗi chính tả thôi, chứ không có chuyện gì tiêu cực cả".

 

Nhưng con số đó được lặp lại tới 2 lần trong báo cáo, thưa ông?

 

Nó chỉ là lỗi giữa chữ triệu (đồng) và tỷ (đồng) thôi…

 

Một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mà các ông lại để lỗi lớn như vậy sao?

 

Thì mới đây chúng tôi mới phát hiện ra.

 

Thế Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đính chính gửi Thủ tướng chưa?

 

Chưa !…

Tuy chưa đi sâu vào thanh tra, phân tích vì sao dự án cầu Hoàng Long lại có sự tăng vọt về vốn đầu tư như vậy nhưng Đoàn thanh tra đã phát hiện tổng số tiền sai phạm, thất thoát tại dự án này đã lên đến trên 4,5 tỷ đồng.

 

Trên cơ sở đó, kết luận thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ GTVT (giai đoạn 1995-2002) và giao Bộ GTVT kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm các ông Tổng Giám đốc PMU18, Cục trưởng Cục giám định và quản lý chất lượng các công trình giao thông, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư và các cá nhân, tập thể liên quan đến các nội dung sai phạm.

 

Do đây là vụ việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra thực hiện, nên Thanh tra Chính phủ sau khi có kết luận phải báo cáo Thủ tướng. Ngày  25/5/2003 (sau 25 ngày ký kết luận thanh tra), Phó Tổng Thanh tra Nhà nước thường trực Trần Quốc Trượng ký báo cáo kết quả Thanh tra dự án xây dựng cầu Hoàng Long số 584, gửi Thủ tướng Chính phủ.

 

Tại báo cáo này (dài 9 trang khổ A4, ít hơn kết luận thanh tra 3 trang), về cơ bản là tóm tắt lại nội dung và kết quả thanh tra, đề nghị xử lý sai phạm như kết luận thanh tra đã đề nghị.

 

Tuy nhiên, không hiểu sao sau đó hơn 5 tháng  (ngày 17/11/2003), chính Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Quốc Trượng lại ký một báo cáo tóm tắt kết quả thanh tra dự án trên (dài 2,5 trang A4) gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại báo cáo này, sai phạm và thất thoát của dự án cầu Hoàng Long chỉ còn hơn 4,5 triệu đồng. 

 

Thời gian qua, hàng loạt dự án do PMU18 và một số PMU khác của Bộ GTVT làm chủ đầu tư (QL 18, cầu Hoàng Long, tuyến đường Bắc Ninh – Nội Bài) đều đã được Thanh tra và có kết luận.

 

Tuy nhiên, hầu như những kiến nghị của đoàn thanh tra lại không được xử lý nghiêm. Với dự án cầu Hoàng Long, vì sao Phó Tổng Thanh tra Trần Quốc Trượng lại có báo cáo sai sự thật với Thủ tướng?

 

Phải chăng đằng sau chuyện “giơ cao đánh khẽ” này là một chuyện tiêu cực khác, khiến ông Nguyễn Việt Tiến (Tổng GĐ PMU18 Từ 1994– 1998) không bị xử lý tại thời điểm đó?

 

Theo Tổ PVĐT

Tiền Phong