1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng: Mọi phiên tòa phải có luật sư tham gia

(Dân trí) - “Trong lĩnh vực tư pháp, các luật sư cố gắng tham gia các phiên toà từ đầu để đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng đối với người dân. Cố gắng 100% phiên toà có luật sư” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tại cuộc họp VPCP chiều ngày 6/12.

Buổi làm việc của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các ban ngành liên quan tại Văn phòng Chính phủ chiều ngày 6/12, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh trực tiếp báo cáo lên Phó Thủ tướng về tình hình hoạt động cùng những đề xuất liên quan lên Chính phủ về việc chuẩn bị cho Đại hội Liên đoàn luật sư lần thứ 2; đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí tổ chức, hoạt động; xin phê duyệt địa điểm xây dựng làm trụ sở Liên đoàn trong thời gian tới ở phía Tây Hồ Tây - Hà Nội.

Chủ tịch Lê Thúc Anh báo cáo, kể từ khi thành lập, Liên đoàn đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận. Cho đến nay, Liên đoàn đã ban hành 19 qui định, qui chế nội bộ, xây dựng và hoàn thiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và các qui chế hoạt động, làm việc của Liên đoàn.

Phó Thủ tướng: Mọi phiên tòa phải có luật sư tham gia
 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp bàn, giải quyết vướng mắc đối với Liên đoàn luật sư Việt Nam chiều 6/12.

Đối với các đoàn luật sư, bên cạnh việc xây dựng bộ máy tổ chức gọn nhẹ, có hiệu quả, các Đoàn đã tiến hành sửa đổi điều lệ cho phù hợp với Điều lệ của Liên đoàn, sửa đổi, bổ sung các văn bản nội bộ cho phù hợp thực tiễn quản lý, điều hành, lề lối làm việc được cải tiến.

Từ khi thành lập Liên đoàn, đội ngũ luật sư nước ta đã phát triển tương đối nhanh về số lượng, tính đến ngày 30/9/2013, đã có 8.162 luật sư, nhưng chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM (chiếm 2/3 số luật sư cả nước).

Trăn trở về tình hình hoạt động của Liên đoàn, ông Lê Thúc Anh cho biết, trên cả nước có nhiều đoàn luật sư các tỉnh có dưới 20 luật sư, thậm chí một số Đoàn có dưới 10 luật sư hành nghề… với nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng cao và phát triển, đòi hỏi Liên đoàn cần phải có những giải pháp tích cực hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ luật sư, đặc biệt tại các tỉnh miền núi còn rất khó khăn.

Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng tập trung vào công tác nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, bảo vệ, hỗ trợ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền lợi hợp pháp khác của luật sư (chủ yếu trong hoạt động tố tụng hình sự); giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức luật sư và luật sư trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ của đất nước, đối ngoại và hợp tác quốc tế…

Nhằm hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự, trong đó tạo sự bình đẳng giữa luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng; bãi bỏ quan hệ, cơ chế xin - cho, nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong các quan hệ tố tụng; đảm bảo các vụ án hình sự cần phải đảm bảo có luật sư tham gia bào chữa tại các phiên toà, từng bước và tiến tới chỉ có luật sư mới có quyền tham gia tranh tụng tại Tòa để đảm bảo cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội…

Chủ tịch Lê Thúc Anh cũng báo cáo, tính đến thời điểm này trên cả nước đã có 13 đoàn luật sư tiến hành đại hội xong. Theo dự kiến, Đại hội lần thứ 2 Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ diễn ra trong quý II/2014, thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ thứ I và phương hướng công tác nhiệm kỳ thứ II của Liên đoàn; bầu Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, sau đó Hội đồng luật sư toàn quốc bầu Ủy viên Ban Thường vụ và chức danh lãnh đạo của Liên đoàn, báo cáo lên Ban Bí thư.

Ông Nguyễn Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo:
Ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo: "Tính đến 30/9 năm nay, cả nước đã có 8.162 luật sư".

Phát biểu chỉ đạo tháo gỡ về một số vướng mắc cho Liên đoàn luật sư Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ đồng ý hỗ trợ kinh phí 600 triệu đồng tiền thuê trụ sở làm việc của Liên đoàn năm 2014; giao Bộ Tài chính xem xét việc hỗ trợ kinh phí tổ chức Đại hội lần 2 của Liên đoàn đề xuất lên là 3,7 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp quan tâm, đồng hành hỗ trợ để đảm bảo thành công đại hội lần 2 của Liên đoàn. Bộ Nội vụ có ý kiến hoàn thiện điều lệ Liên đoàn, có ý kiến về vị trí trụ sở của liên đoàn đệ trình lên Ban Bí thư. Phó Thủ tướng cũng giao các địa phương quan tâm đến các đoàn luật sư địa phương, lắng nghe các ý kiến, các kiến nghị để xem xét giải quyết theo phân cấp quản lý. Về phương tiện đi lại, Phó Thủ tướng đồng ý sẽ hỗ trợ thêm 1 chiếc xe ô tô cho Liên đoàn.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Liên đoàn cố gắng 100% phiên toà có luật sư tham gia. Trong lĩnh vực tư pháp, các luật sư cố gắng tham gia từ đầu để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp và công bằng. “Bằng chứng gỡ tội rất quan trọng, không chỉ riêng nước ta mà đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Không có chuyện án “bỏ túi”. Liên quan đến quyền con người, chúng ta cần phải làm tốt, thực hiện đầy đủ những quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên đoàn luật sư Việt Nam trong lĩnh vực tố tụng, đảm bảo vai trò, trách nhiệm và chức năng của Liên đoàn trong việc củng cố, hoàn thiện các chính sách pháp lý góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Quốc Đô