1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phế liệu Campuchia tuồn lậu sang Việt Nam

Rác từ Campuchia đang ồ ạt tuồn sang Việt Nam theo đường biên giới Tây Nam. Muốn thứ gì cũng có, từ máy móc, phụ tùng xe máy, hàng điện tử cho đến hàng độc.

Phế liệu Campuchia tuồn lậu sang Việt Nam - 1
Một điểm tập kết rác tại xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

 

Chúng tôi đi dọc tuyến biên giới từ Tịnh Biên đến Châu Đốc, Tân Châu (An Giang) và sang huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) để ghi nhận về rác lậu. Chợ Đường Sứ, ấp Tân Biên, xã An Nông, huyện Tịnh Biên là điểm tập kết phế liệu Campuchia quy mô nhất.

 

Những nẻo đường... rác lậu

 

Vừa đến nơi đã thấy một chiếc xe tải đang hối hả xuống hàng, dưới bến sông, cả đội quân bốc vác bưng bê từng kiện rác lớn được đóng gói cẩn thận xuống phà. Hơn 30 phút, chiếc phà gỗ đã đầy ắp rác nổ máy chạy dọc kênh Vĩnh Tế về hướng thị trấn Tịnh Biên, còn chiếc xe tải phóng vun vút theo con đường “huyết mạch” mà dân buôn lậu đang dùng vận chuyển lúa.

 

Chúng tôi vội vã theo dấu chiếc phà “no” rác. Một lúc sau, nó cập bến tại một vựa phế liệu trên đường Cây Mít, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. Một thanh niên tên Dũng, con chủ vựa, cho biết mùa khô thì phế liệu phải đi bằng xe tải vượt đường đồng, tập kết về Đường Sứ mới trung chuyển về các vựa. Tuy không tấp nập như mùa nước nổi, nhưng mỗi ngày cũng trên chục tấn. Còn ở Châu Đốc, mấy vựa phế liệu cặp bờ kênh Vĩnh Tế luôn tấp nập ghe bầu ra vào bến.

 

Một cửu vạn quen biết với chúng tôi tiết lộ, những ghe phế liệu này lấy hàng từ chợ gò Tà Mau, Campuchia, cách Châu Đốc chỉ vài cây số. Phế liệu điện tử bên đó chất thành từng đống tràn ra cả bờ sông, chủ yếu là các vi mạch điện tử, vỏ ti vi, dây đồng... 

 

Tại khu vực biên giới Vĩnh Xương, huyện Tân Châu cũng có vài vựa thu mua phế liệu nằm rải rác cặp bờ sông. Một người dân tại đây chỉ cho chúng tôi mấy chiếc ghe bầu chở những kiện hàng cao ngút, lừ đừ chạy giữa sông và quả quyết đó là phế liệu Campuchia đang vận chuyển vào nội địa. “Nhưng dân buôn bây giờ khôn lắm, họ chạy ghe giữa sông ngay trên ranh giới Việt Nam - Campuchia để dễ dàng tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng. Khi thấy có lực lượng tuần tra đến gần, họ cho ghe lấn sang hải phận nước bạn và... đi tiếp”- người dân  này cho biết.

 

Cần thứ gì cũng có

 

Chúng tôi ngỏ lời muốn đặt mối quan hệ làm ăn lâu dài, để mua lại phế liệu đã qua phân loại chuyển về TP, chủ vựa phế liệu trên đường Cây Mít vui ra mặt. Sau khi chúng tôi nêu yêu cầu cần ắc-quy cũ số lượng lớn và các loại máy móc “nghĩa địa”, phụ tùng xe máy, ông chủ liền kêu mấy người bốc vác khui ra một kiện hàng với đủ thứ... hầm bà rằn. Ông nói: “Đợt này ắc-quy không nhiều, nhưng nếu mấy anh muốn lấy số lượng lớn thì tôi cũng đáp ứng. Thằng bạn tôi còn ôm cả mấy chục tấn từ trước Tết tới nay chưa ra được. Quan trọng là giá cả thôi”. Ngừng một lúc như để chúng tôi xem hàng, chủ vựa nói tiếp: “Các loại máy móc “nghĩa địa” thì muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Từ máy xe, máy dầu Nhật Bản, Hàn Quốc tới những cái máy lạ lùng nhất đều có cả. Có những cái từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng thấy, hàng độc đó”.

 

Khoảng đất trống cách thị trấn Tân Hồng vài trăm mét là sân phơi và phân loại phế liệu của các chủ vựa quanh đây. Thấy chúng tôi, hai thanh niên đang phơi ni lông chạy lại chào mời: “Mấy anh mua phế liệu hả? Xài loại gì? Mủ, ni lông, sắt thép, phụ tùng máy móc “mần thịt” sẵn tụi này có đủ”. Họ còn cho hay, nếu cần hàng độc thì họ sẽ sang tận các bãi rác bên Kohthom, Pray Veng, Piem Ro, Spampui “săn hàng”, nhưng phải ứng tiền trước để làm tin. Làm ăn quen mặt vài chuyến thì sẽ không còn phải “dằn cọc” nữa.
 

Chỉ quản lý được... phần nổi

 

Theo cơ quan chức năng cho biết phế liệu là mặt hàng cấm nhập, khi phát hiện việc vận chuyển, nhập phế liệu từ Campuchia thì cũng xử lý như các vụ buôn lậu khác. Tuy nhiên, thời gian qua, các lực lượng chức năng làm việc trên tuyến biên giới chỉ phát hiện được một vài vụ khá lớn, còn lại đều... không bắt được.

 

Một lãnh đạo Chi cục Quản lý Thị trường An Giang, cho biết công tác chống buôn lậu, trong đó có rác phế liệu ngoại, gặp rất nhiều khó khăn kể cả khi xử lý. Dân buôn ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng, còn lực lượng làm nhiệm vụ thì mỏng nên không thể dàn trải hết địa bàn. Khi bị bắt con buôn bỏ hàng không chủ, hoặc chỉ đưa “đàn em” ra nhận lãnh chở hàng thuê, còn đầu nậu khó mà bắt được.

 

Theo Quốc Dũng
Người lao động