1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phê bình 29 tỉnh có số người chết vì TNGT gia tăng

(Dân trí) - “Người nhà mình từ ĐBSCL lên chơi kể: hú hồn cháu ơi, xe tranh giành khách, ngồi đó không biết lúc nào chết” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như thế bên lề Hội nghị Tổng kết công tác trật tự ATGT năm 2007 tổ chức sáng 24/1.

Thưa Thủ tướng, Chính phủ đã giao chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông cho các tỉnh, tuy nhiên chỉ có 9 tỉnh hoàn thành, vậy những trường hợp không hoàn thành sẽ bị xử lý thế nào?

Năm 2006 so với 2005 số người chết tăng 10,6%, năm 2007 so với 2006 số người chết tăng 3,2%. Như vậy, tốc độ tăng đã bước đầu được kiềm chế. Nhưng 3,2% đó tương đương với con số tuyệt đối 13.151 người, hơn 10.000 người bị thương, đau xót quá.

2007 - Vẫn "choáng váng" với tai nạn giao thông

 

Theo báo cáo của Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia: Năm 2007, cả nước xảy ra 14.624 vụ tai nạn giao thông làm chết 13.150 người và bị thương 10.546 người (So với năm 2006, giảm 740 người bị thương, nhưng lại tăng 77 vụ và 411 người chết).

Trong 64 tỉnh thành thì 35 địa phương giảm về số vụ TNGT, số người chết, người bị thương trong đó có 9 tỉnh đạt chỉ tiêu giảm 10% số vụ TNGT của chính phủ. Tôi đã có điện biểu dương các tỉnh giảm và cũng vừa phê bình, yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm đối với 29 địa phương để TNGT tiếp tục gia tăng.

Phê bình không chỉ là phê bình mà còn với mục đích để các địa phương tự rút ra kinh nghiệm tại sao “họ” giảm được, “mình” lại không? Phải chăng đó là vì sự quan tâm chỉ đạo chưa sâu sát...

Thưa Thủ tướng, đầu năm 2007, Thủ tướng cũng đã phê bình mà hết năm vẫn có nhiều tỉnh chưa hoàn thành chỉ tiêu. Vậy nếu thời gian tới vẫn tiếp tục tình trạng này thì sao?

Phải nói rõ thế này, không phải các tỉnh đã phê bình đều không hoàn thành. Nhiều địa phương sau khi phê bình đã có chuyển biến tốt lên. Trách nhiệm là vô cùng, tuỳ theo mức độ "vượt" sẽ có hình thức thích hợp.

Đây là một quá trình đòi hỏi liên tục, đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường, gia đình, xã hội kết hợp với tuần tra kiểm soát và đặc biệt là xử phạt.

Điều nữa là sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, phải coi đây là chương trình thường xuyên có kiểm tra đôn đốc, có người tổ chức thực hiện.

Điều cuối cùng là quản lý nhà nước cả về ban hành thể chế, kế hoạch thực hiện, quy hoạch giao thông, quản lý nhà nước về phương tiện.

Vấn đề quản lý xe ba bánh, xe tự chế, quan điểm của Chính phủ là như thế nào?

Quan điểm kiên quyết là phải loại bỏ những phương tiện không an toàn, không chỉ vì bản thân một người nào đó mà còn đe doạ an toàn của cộng đồng. Điều này cũng đòi hỏi phải có tổ chức thực hiện, chuyển đổi cụ thể, đồng bộ. 

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 46/2004/CT-TTg về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ, tới nay là 4 năm trời, một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình đã làm rất tốt....

Xin cám ơn Thủ tướng!
 

So với Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 29/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm số thiệt hại về người do TNGT, chỉ có 9 địa phương thực hiện được là Điện Biên, Cà Mau, Hà Tây, Hoà Bình, Kiên Giang, Lai Châu, Nam Định, Nghệ An và Tuyên Quang.

55 tỉnh, thành phố còn lại đều không hoàn thành, trong đó những địa phưng xảy ra ra nhiều TNGT nhất là TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Đắc Lắc, Bình Dương, Bình Định, Gia Lai, Bình Thuận...

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thẳng thắn cho rằng: nguyên nhân khiến tai nạn giao thông gia tăng là do các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự giao thông chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ. Thậm chí, không ít địa phương còn tình trạng thờ ơ, ngoài cuộc trước thảm hoạ TNGT.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân chuyển biến chậm, vi phạm còn phổ biến, nhất là người điều khiển môtô, xe gắn máy, đội ngũ lái xe khách, xe container… cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc chưa hoàn thành được Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 29/1 của Thủ tướng Chính phủ.

 
Phúc Hưng