1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Phạt nhiều hơn, mạnh hơn để “đe” vi phạm giao thông”

(Dân trí) - An Giang xử phạt vi phạm giao thông được hơn 70 tỷ đồng/năm, TPHCM mạnh tay áp phí “giam” xe đua 500.000đ/ngày… Đó là những điển hình được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo TTATGT quý I/2012 sáng nay.

“Ổ gà tồn tại cả tháng - Lãnh đạo địa phương vô trách nhiệm!”

Với nhóm tỉnh “điểm đen”, vấn đề nổi lên là tiêu chí số người chết do tai nạn vẫn cao, tăng, dù số vụ tai nạn có thể giảm khá. Kon Tum là tỉnh điển hình về số tai nạn chết người tăng, Phó Chủ tịch UBND Phạm Thanh Hà báo cáo con số thêm 9 người chết vì tai nạn (tăng 40%). “Thiệt hại này tỉnh xác định là lớn, cần khắc phục ngay” – ông Hà thừa nhận.

Theo thống kê của ông Hà, đối tượng chủ yếu gây tai nạn là thanh thiếu niên 27 tuổi trở xuống (trên 52%), tỷ lệ người gây tai nạn là đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất cao. Nguyên nhân chạy quá tốc độ chiếm 29%, sử dụng rượu bia 18%.

"Vừa qua có tình trạng hoán cải xe (xe 20 tấn chở 40, thậm chí 60 tấn), nâng tải trọng lên gấp đôi, gấp rưỡi, góp phần “băm nát” đường sá. Bộ đã chỉ đạo các Sở GTVT các tỉnh thành tuyệt đối không tiếp tục cấp phép hoán cải xe, đồng thời sẽ kiểm soát lại, nếu việc cấp giấy phép hoán cải này sai sẽ thu hồi" - Bộ trưởng GTVT.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cũng báo cáo thật, dù đã xác định lập lại trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp UB An toàn giao thông quốc gia ban hành, nhất là đợt trước, trong và sau tết Nhâm Thìn nhưng tai nạn vẫn tăng cao trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Tất cả các trường hợp tai nạn, trong đó có tai nạn nghiêm trọng, đều do tài xế ý thức chấp hành kém. Riêng 3 vụ nghiêm trọng đã làm chết 9 người, bị thương 12 người, chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ.

Chủ tịch UBND Quảng Ngãi xin cơ chế xử lý mạnh, thu bằng lái, cấm hành nghề vĩnh viễn đối với tài xế xe khách gây tai nạn mới có thể “gỡ” tình hình.

Tại tỉnh Long An, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Nguyên cũng khái quát, 2 tháng đầu năm, số vụ giảm 44 nhưng số người chết lại tăng 8 người. Trên 80% tai nạn được xác định do xe chạy quá tốc độ, đặc biệt nằm trong dòng xe máy đi từ các tỉnh miền Tây về TPHCM đang tăng nhanh.

Khảo sát các điểm đen, ông Nguyên cho biết, nơi thì thiếu cọc tiêu biển báo, chỗ lại chưa có vạch kẻ đường nên có hiện tượng đi lấn đường, sai làn… “Có khi chỉ 1 ổ gà trên đường mà 2-3 tháng vẫn chưa được sửa, lấp. Đó là do trách nhiệm người đứng đầu quản lý khu vực” - ông Nguyên nhấn mạnh.

Ông Nguyên cũng kiến nghị mở làn đường đi riêng cho xe 2 bánh, mỗi bên rộng 4m, có rào chắn trên quốc lộ 1. Lãnh đạo tỉnh Long An quả quyết nếu làm được tai nạn sẽ giảm lớn.

Tăng gấp đôi mức trích thưởng tiền phạt để chống “chung chi”
 
“Phạt nhiều hơn, mạnh hơn để “đe” vi phạm giao thông”
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tại trụ sở Chính phủ.

Tổng kết việc triển khai các giải pháp kiềm chế tai nạn, ùn tắc, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định, tình hình tai nạn đã giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm qua. Tuy nhiên, với tổng số 1.665 người chết trong 2 tháng, bằng gần 10% số người chết và mất tính trong thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản, con số này vẫn là rất lớn.

Tán thành nhận định này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên dẫn chứng: theo dõi tin thời sự quốc tế hàng ngày, ở những điểm nóng xung đột, chiến tranh, thỉnh thoảng có thông tin một vụ đánh bom làm chết 10 người, quân đội giao tranh khiến 9 dân thường thiệt mạng đã thấy ghê gớm lắm rồi. Vậy mà tại Việt Nam, 1 năm hơn 11.000 người chết, trung bình mỗi ngày 30 người ra đường rồi không về nhà, người ta lại thấy bình thường.

Thứ trưởng Tư pháp kiến nghị giải pháp tổ chức giao thông khi chỉ ra nghịch lý về tỷ lệ các loại phương tiện tham gia giao thông. “Đi bộ là một mốt thể thao chứ không phải là một thói quen. Không có lý gì buổi tối dân ta đi bộ nhiều thế mà ban ngày nhà chỉ cách cơ quan 2km lại không đi bộ. Đó là do vỉa hè chưa được giải phóng, di chuyển được ban ngày phải len lách trên hè đường rất khó khăn” - ông Liên phàn nàn.

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Quý Ngọ nhìn nhận tình trạng mất an toàn giao thông ở khía cạnh hành vi chống người thi hành công vụ tăng đột biến, đến 220% trong năm 2011. Những tháng vừa qua, tình hình mới giảm dần.

Nỗ lực lập lại trật tự an toàn giao thông vừa qua, theo tướng Ngọ vẫn còn điểm yếu là chưa xử lý nhiều bằng hình sự những trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng. Việc xử phạt người vi phạm ở các tỉnh thành phía Bắc vẫn kém mà nguyên nhân chủ yếu do nạn “chung chi”. Dẫn mức bồi dưỡng 5 triệu đồng/đồng chí của Đà Nẵng vừa qua, ông Ngọ đề nghị Chính phủ tăng mức bồi dưỡng anh em theo hướng nâng từ mức 15% hiện nay lên 30% từ khoản tiền phạt thu được để tránh tình trạng “chung chi”.

Thứ trưởng Công an cũng đề xuất tăng cường các biện pháp xử lý mạnh tay như tịch thu xe đua trái phép (dù chính chủ hay không) và xe đã “độ” lại, “doa nòng”, nâng thẩm quyền xử phạt của công an lên mức 2 triệu đồng để tránh phiền hà, tâm lý ngại khi xử lý vi phạm.

Hoàn toàn nhất trí các quan điểm, đề xuất xử lý nghiêm để “đe” vi phạm, Phó Thủ tướng, Trưởng ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc dẫn nhiều điển hình như tỉnh An Giang xử phạt được hơn 70 tỷ đồng/năm, TPHCM mạnh tay áp phí “giam” xe đua 500.000đ/ngày, 1-3 tháng tạm giữ là “tiêu” giá trị phương tiện. “Phạt nhiều hơn, mạnh hơn, kiên quyết hơn, vi phạm lần sau phải phạt nặng hơn lần trước” - Phó Thủ tướng khuyến nghị.

Với những kết quả kiềm chế tai nạn đạt được trong quý I/2012, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu Chính phủ đề ra không chỉ là vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (mỗi năm giảm 5-10% số vụ tai nạn và 20% số vụ ùn tắc trên 30 phút) mà phải vượt gấp đôi. Đặc biệt, với 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, phải giảm 70% số người chết cũng như số vụ tai nạn giao thông.
 

2 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 1.940 vụ tai nạn, làm chết 1.665 người, bị thương 1.481 người. So với cùng kỳ năm 2011 đã giảm 1,808 vụ (tương đương 48,24%), giảm 408 người chết (19,68%), giảm 2.322 người bị thương (61,06%).

Cả nước có 18 vụ tai nạn đường bộ nghiêm trọng, làm chết 47 người, bị thương 38 người. So với 2 tháng đầu năm 2011 tăng 4 vụ, 6 người chết, 20 người bị thương.

Theo thống kê, có 4 tỉnh thành có số lượng người chết vì tai nạn giảm trên 50%, 9 tỉnh giảm 40-50% (trong đó có TPHCM), 7 tỉnh giảm 30-40%, 11 tỉnh giảm 20-30% (trong đó có Hà Nội), 14 tỉnh giảm 10-20%, 6 tỉnh giảm từ 1-10%, 5 tỉnh không tăng giảm.

Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh thành khác lại có số người chết vì tai nạn tăng cao bất thường như Kon Tum, Quảng Ngãi, Long An, Hậu Giang, Thái Bình, Bình Phước, Bình Định.

Bộ trưởng Thăng: Vừa qua có tình trạng hoán cải xe, nâng tải trọng lên gấp đôi, gấp rưỡi, góp phần làm phá hủy đường sá. Bộ đã chỉ đạo các Sở GTVT các tỉnh thành tuyệt đối không tiếp tục cấp giấy phép hoán cải xe (xe 20 tấn chở 40, thậm chí 60 tấn), sẽ kiểm soát lại, nếu việc cấp giấy phép hoán cải này sai sẽ thu hồi.

P.Thảo