1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Phát hoảng” vì ẩn họa cháy nổ ở các khu chung cư

(Dân trí) - Người dân không có kỹ năng xử lý cháy nổ, Ban quản lý tòa nhà “cấm” diễn tập phòng cháy chữa cháy, “biến” lối thoát hiểm thành kiốt bán hàng và “chuồng cọp”… Đó là những mối ẩn họa cháy nổ đang hiển hiện trong các tòa nhà chung cư tại Hà Nội và TPHCM.

Tại các khu tái định cư, hoả hoạn luôn là nỗi lo lớn nhất của người dân, đặc biệt sau khi vụ cháy toà nhà 18 tầng JSC 34 xảy ra, làm chết 2 người. Nhà N3A - khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính- Hà Nội có 130 hộ đang cư trú. Song, theo phản ánh của các cộ dân, từ khi đến ở, ngoài quyết định bán nhà, họ không nhận được bất kỳ thông báo hay tài liệu hướng dẫn nào của BQL toà nhà về việc phòng chống cháy nổ.
 
“Phát hoảng” vì ẩn họa cháy nổ ở các khu chung cư - 1
Hầu hết các bình chữa tại toà nhà N3A đều không thể sử dụng được. (Ảnh: Tiến Nguyên)

 

Đáng nói hơn, hệ thống chữa cháy tại khu nhà này khiến sự lo lắng của người dân tăng lên gấp bội. Ông Nguyễn Mậu Minh, tổ trưởng tổ dân phố nhà N3A bức xúc: “Hệ thống bơm nước cứu hoả ở đây không hoạt động từ lâu rồi. Vừa rồi khu nhà bị mất nước, chúng tôi xuống mở máy bơm để lấy nước dùng. Máy thì chạy nhưng không thể hút được nước từ bể lên.

 

Cạnh đó là cái máy bơm chạy xăng dùng để thay thế cho máy bơm kia khi mất điện, 4-5 thanh niên khoẻ mạnh cũng không thể kéo nổ được”.

 

Ông Minh cho biết thêm, bên ngoài hành lang, mỗi căn hộ được trang bị 2 bình bọt chữa cháy. Tuy nhiên, hầu hết số bình này đều không sử dụng được. Cầm hàng loạt bình trên hành lang tầng 8, ông Minh thử kéo van xả bọt nhưng tất cả đều vô dụng.
 
“Phát hoảng” vì ẩn họa cháy nổ ở các khu chung cư - 2
Ban công bị bịt kín sẽ gây trở ngại cho lực lượng PCCC tiếp cận căn hộ khi có hoả hoạn xảy ra. (Ảnh: Tiến Nguyên)

 

Theo ông Minh, toà nhà hiện vẫn dưới quyền quản lý của Xí nghiệp Quản lý khai thác dịch vụ đô thị, thuộc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Mấy tháng trước, BQL có đến thống kê số bình bọt hết hạn sử dụng, yêu cầu người dân ký vào biên bản để thay thế. Song từ đó đến nay vẫn chưa thấy BQL có động tĩnh gì.

 

Tại các khu chung cư cao tầng, khi xảy ra cháy, bên cạnh lối thoát hiểm cầu thang bộ, mỗi phòng đều có ban công để lực lượng cứu hoả có thể tiếp cận được. Tuy nhiên rất nhiều phòng trong khu tái định cư này, người dân đã tự ý dựng “chuồng cọp”, bịt kín hoàn toàn ban công. Đây là điều rất nguy hiểm nếu có hoả hoản xảy ra.

 

Ghi nhận của PV Dân trí trong tòa nhà CT8, khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho thấy: cầu thang bộ bị chiếm dụng làm nơi tập kết đồ đạc, các hốc đặt công tơ điện luôn trong tình trạng “mở cửa”, trên các trần tầng bật đèn sáng trưng giữa ban ngày nhưng không có nắp bảo vệ an toàn, dưới tầng hầm và rác loằng ngoằng những dây điện và những vật dụng dễ cháy; tại các lối ra vào, cầu thang máy, điểm đổ rác không có số điện thoại đường dây nóng về phòng cháy chữa cháy…
 
 
“Phát hoảng” vì ẩn họa cháy nổ ở các khu chung cư - 3
Lối thoát hiểm duy nhất trong tòa nhà CT8 bị "bịt" kín. (Ảnh: Như Quỳnh)

 

Bà Nguyễn Thị Hiền (Tổ trưởng tổ dân phố 51, nhà CT8, phường Định Công) cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy lực lượng nghiệp vụ đến kiểm tra các thiết bị phòng cháy chữa cháy nên không biết các thiết bị này có sử dụng được hay không, người dân trong tòa nhà chưa bao giờ được trang bị kiến thức hay tập huấn về phòng chống cháy nổ nên mọi người đều rất mơ hồ trong công tác này”.

 

Đặc biệt, mặc dù đã bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng được 3 năm nay nhưng tòa nhà CT8 chưa bao giờ có lối thoát hiểm?!

 

Theo bà Hiền, tòa nhà 8 tầng với hàng trăm hộ dân sinh sống nhưng chỉ có duy nhất 1 lối thoát hiểm. Tuy nhiên, lối thoát hiểm này đã “được” BQL tòa nhà “tận dụng” và cho 1 hộ kinh doanh sử dụng làm kiốt bán hàng nhiều năm nay.

 

Được biết, cuối năm 2009, tòa nhà CT8 đã xảy ra sự cố cháy nhỏ tại khu vực đựng rác thải ở tầng hầm, nhưng rất may sự cố được người dân phát hiện kịp thời và dập tắt nhanh chóng.

 

Liên quan đến vấn đề này, phía đơn vị quản lý tòa nhà, ông Hoàng Văn Biên (Trưởng BQL nhà CT8) thản nhiên: “Trước khi tôi về làm Trưởng BQL thì lối thoát hiểm của tòa nhà này có hợp đồng cho thuê. Hiện nay, bản hợp đồng thuê lối thoát hiểm đã hết hạn nhưng chúng tôi chưa thu hồi lại được”.

 

Trong cuộc trao đổi với ông Biên, phải tới khi PV đặt câu hỏi về những trường hợp cháy nổ xấu nhất có thể xảy ra thì ông Biên mới chịu thừa nhận về những nguy hiểm rình rập.

 

Tuy nhiên, ông Biên chủ quan: nếu xảy ra sự cố mà được phản ánh kịp thì mọi chuyện vẫn có thể xử lý được, vì tuy là cho thuê nhưng cửa thoát hiểm luôn luôn mở, hộ kinh doanh này cam kết nếu có sự cố cháy nổ xảy ra thì mọi người có thể “tự ý” phá bỏ những vật cản là tài sản kinh doanh của gia đình ở cửa thoát hiểm để thoát ra ngoài (!?)

 

Tại tòa nhà CT6, không được trang bị kiến thức phòng chống cháy nổ khiến người dân lo ngại, nhưng đề nghị diễn tập đều bị BQL tòa nhà từ chối.
 
 
“Phát hoảng” vì ẩn họa cháy nổ ở các khu chung cư - 4
Hầm để rác của tòa nhà CT8 xảy ra vụ cháy nhỏ năm 2009. (Ảnh: Như Quỳnh)

 

Bà Hoàng Thị Nhật (Tổ phó tổ dân phố 35A, Định Công) kể: “Cuối tháng 10/2009, người dân trong tòa nhà mời cả công an phường đến và kiến nghị cho diễn tập phòng cháy chữa cháy, thế nhưng BQL nhà CT6 cản trở, họ nhất định không cho chúng tôi diễn tập với lí do: nếu diễn tập thì người dân ở các tòa nhà khác tưởng là cháy thật nên sẽ gây hoang mang và ảnh hưởng tới họ…”.

 

Còn tại các tại khu chung cư N2, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, thực trạng nhiều hộ dân ngang nhiên “biến” lối thoát hiểm thành phòng ở, biến hành lang thành... nhà kho, lập “chuồng cọp”, chiếm dụng không gian công cộng để kinh doanh... đang diễn ra như một “phong trào”?!

 

PV Dân trí cũng có một vòng khảo sát tại các chung cư ở TPHCM như: Botanic (Q.Phú Nhuận); Ngô Tất Tố, Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh); An Phú (Q.2); Phú Thọ (Q.11)... hầu hết các chung cư đều có hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC), thế nhưng, tại một số chung cư cũ, các thiết bị này nếu không hư hỏng thì cũng bị cất vào kho.

 

“Ở đây, mấy thiết bị chữa cháy này thường bị lấy cắp. Mất thì mình bị phạt. Thôi thì cất vào kho cho an toàn, lúc nào cần thì lấy ra”, một bảo vệ “hồn nhiên” nói.

 

Khi đề cập đến kỹ năng nào về PCCC, rất nhiều người tỏ ra xa lạ. “Chúng tôi đến mua căn hộ này và vào ở vậy thôi. Chỉ thấy dán mấy bản hướng dẫn an toàn cháy nổ trên tường, chứ đâu có thấy ai tới hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy mini khi xảy ra sự cố hay cách sơ tán và sơ cứu ban đầu thế nào đâu”, chị L.H.T nhà ở tầng 3, chung cư Ngô Tất Tố cho biết.
 
“Phát hoảng” vì ẩn họa cháy nổ ở các khu chung cư - 5

Tại kho rác của chung cư, rác vứt bừa bãi ra ngoài. Nguy cơ cháy rất dễ xảy ra, nếu dính một tàn thuốc. (Ảnh: Công Quang)

 

Cách lý giải việc bịt hệ thống chữa cháy của cư dân tên L.V.S nghe  mà “lạnh xương sống". Anh S. kể, có một lần, bà xã anh đun nước. Nồi nước sôi quá nên bốc hơi. Thế là, hệ thống báo cháy tự động hú inh ỏi làm mọi người giật mình. Bảo vệ một phen hú vía, vác bình chữa cháy lên đến tầng 11 rồi quay về. Ngại mình làm phiền mọi người, anh S. lấy túi nilong bịt kín hệ thống báo cháy để nó khỏi… reng. “Tui hay hút thuốc, lỡ khói thuốc làm còi hú lên nữa thì mất lòng lắm. Bịt lại cho an toàn…”(!)

 

Một thực tế, ở một số chung cư, tình trạng sử dụng căn hộ không đúng mục đích như làm văn phòng, cơ sở sản  xuất, kinh doanh… đã làm xáo trộn đời sống của các căn hộ bên cạnh. Căn hộ thiết kế để ở nhưng bị dùng làm văn phòng thì số người trong một diện tích cố định tăng, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng với công suất cao hơn và cũng dễ xảy ra cháy, nổ.

 

Mặc dù các chung cư cao cấp rất tự tin với hệ thống PCCC hiện đại của tòa nhà mình, như bà Huỳnh Thị Vinh Hạnh, Trưởng Ban quản lý chung cư cao cấp Botanic cho biết: “Chung cư chúng tôi là chung cư cao cấp nên có hệ thống báo cháy từ tầng hầm, trệt đến các căn hộ. Hàng tháng, quý chúng tôi đều kiểm tra hệ thống báo cháy”.

 

Cũng theo bà Hạnh, trong tháng 4/2010 này, Ban quản lý chung cư Botanic sẽ phối hợp với Cảnh sát PCCC quận tiến hành diễn tập PCCC tại chung cư theo định kỳ mỗi năm… chỉ có 1 lần.

 

Tuy nhiên, khi được hỏi, bảo vệ tên D. của chung cư này thật thà kể, chỉ được tập huấn PCCC có 1 lần lúc còn học việc tại Công ty bảo vệ trước khi đi làm. Từ đó đến nay, khi làm nhiệm vụ ở chung cư này, anh D. chưa hề được bồi dưỡng thêm nghiệp vụ PCCC.

 

Tiến Nguyên - Như Quỳnh - Công Quang