1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phát hiện phóng xạ ở nhiều nơi tại Việt Nam

Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (bộ Khoa học và công nghệ) tối 29/3 cho hay, đã phát hiện thêm phóng xạ I-131 tại một số khu vực ở Việt Nam.

Phát hiện phóng xạ ở nhiều nơi tại Việt Nam - 1
Hình mô phỏng đám mây phóng xạ vùng Đông Nam Á đến 24 giờ ngày 30.3. Ảnh: Bộ KHCN

Theo đó, Trạm quan trắc phóng xạ đặt tại Đà Lạt đã phát hiện ra I-131 có nồng độ thấp hơn ở Hà Nội. Tại trạm quan trắc khu vực Lạng Sơn cũng đã phát hiện được một số đồng vị nhân tạo trong không khí với hàm lượng nhỏ.

Số liệu tại 2 trạm trên cho thấy, nồng độ phóng xạ thấp so với tiêu chuẩn và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Nhị Điều, viện trưởng viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho hay, phóng xạ nhân tạo I-131 có chu kỳ bán rã 0,82 ngày. Hiện, mức độ phóng xạ thấp so với quy định hàng trăm ngàn lần nên không gây nguy hiểm và dự báo sẽ giảm dần trong thời gian tới.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong một vài ngày tới có thể phát hiện phóng xạ I-131 tại nhiều khu vực đồng nghĩa với việc đám mây phóng xạ đã bắt đầu di chuyển đến đất liền của Việt Nam.

Trong khi đó theo tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, cục trưởng cục An toàn bức xạ và hạt nhân (bộ Khoa học & công nghệ), hàm lượng chất phóng xạ các trạm quan trắc phát hiện được là rất nhỏ, chưa gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ngoài ra, ông Nhân cũng cho rằng chưa thể khẳng định chất phóng xạ I-131 trên có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Dựa trên hình ảnh mô phỏng hướng di chuyển của đám mây phóng xạ từ nhà máy Fukushima 1 thì trên vùng biển Thái Bình Dương, khối mây này đang di chuyển sâu xuống phía nam, tiến về Mỹ, Canada. Trên vùng biển Đại Tây Dương, khối mây đang tiến về phía Đông Âu. Các trạm quan trắc của tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) đặt tại Na Uy, Nga, Canada, Iceland…đều đã phát hiện thấy chất phóng xạ.

Tại Đông Nam Á, trạm quan trắc đặt tại Philippines cũng đã ghi nhận được sự có mặt của chất phóng xạ. Khối mây vẫn di chuyển theo hướng tiến về Indonesia và Malaysia, chưa vào lãnh thổ Việt Nam nhưng có xu hướng tiến gần nước ta theo hướng gió đông nam. Tới hết ngày 29.3, nhiều khả năng khối mây trên sẽ tiến sát đảo Hải Nam (Trung Quốc) và phía nam mũi Cà Mau, đảo Phú Quốc.

Theo Thanh Tuyền
SGTT/TTXVN