1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phát hiện nhiều sắc phong, tài liệu quý triều Nguyễn

(Dân trí) - Số sắc phong, sắc chỉ, quyết định có giá trị này đang được lưu giữ tại nhà ông Nguyễn Văn Lộc (TP Đồng Hới - Quảng Bình), liên quan đến việc bổ nhiệm, phong quan của một số người trong dòng họ Nguyễn tại tổng Cao Lao cũ.

Pho sử liệu quý

 

Hiện sống ở TP Đồng Hới, ông Nguyễn Văn Lộc (là hậu duệ của dòng họ Nguyễn danh giá ở tổng Cao Lao trước đây, nay thuộc huyện Bố Trạch - Quảng Bình) vẫn lưu giữ rất nhiều sắc phong, sắc chỉ, tài liệu từ thời nhà Nguyễn. Không tường tận nội dung những sử liệu quý này, ông Lộc chỉ biết đó là những tài liệu liên quan đến việc bổ nhiệm, khen thưởng một số tiền bối trong dòng họ, và đặt trang trọng những tài liệu này trên bàn thờ như một bảo vật vô giá của dòng họ.


Phát hiện nhiều sắc phong, tài liệu quý triều Nguyễn - 1
Một sắc phong của vua Tự Đức.

 

Được sự tín cẩn của ông, PV đã mang những sử liệu này tìm đến ông Trương Quang Phúc (Chủ nhiệm CLB Hán - Nôm Quảng Bình, được coi là một trong những người am tường Hán học ở tỉnh này) để tìm hiểu.

 

Ông Phúc đã dịch, lược dịch tất cả các tài liệu này, cho thấy đó là những sắc phong, quyết định, cấp sự, công văn… của vua và quan lại trong các đời vua Tự Đức, Thiệu Trị, Thành Thái, Khải Định.

 

Nội dung các tài liệu này liên quan đến việc bổ nhiệm, phong chức, khen thưởng… đối với ông Nguyễn Văn Sung (chức quan cao nhất từng đảm nhiệm là Cai đội Thủy binh thuộc Vệ Trung Thủy tỉnh Nghệ An - hàm ngũ phẩm vào năm Tự Đức thứ 53 (1882), người trước đó được Đề đốc Thủy sư Kinh kỳ đánh giá là người “đi lính lâu năm, khá cần mẫn lại là người hay chữ”[*]). Ngoài ra, còn có các quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Doanh làm chức khán thủ, bảo vệ vùng rừng cấm ở tổng Cao Lao.

 

Điển hình, trong sắc chỉ năm Tự Đức thứ 30 (tức 1877), vua Tự Đức viết: “Căn cứ đề cử của quan Thủy sư Trung doanh về việc ông Đội trưởng Nguyễn Văn Sung thuộc xã Cao Lao - tổng Cao Lao - huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình là Đội trưởng Thủy binh số năm thuộc Vệ số bốn của Trung doanh đã tham gia diễn tập bắn súng thần công quá kết quả tốt được dự thưởng. Nay, Trẫm hạ chiếu giao Bộ Binh xét công khen thưởng thích đáng. Hãy kính theo”[**].


Phát hiện nhiều sắc phong, tài liệu quý triều Nguyễn - 2
Các sử liệu hiện được ông Nguyễn Văn Lộc lưu giữ cẩn thận, đặt trên bàn thờ của gia đình.
“Đây là những sử liệu có giá trị, và ở Quảng Bình không còn nhiều. Xét về phương diện dòng họ, những sắc chỉ, quyết định này là một niềm tự hào lớn. Còn xét về giá trị lịch sử, những tài liệu này có đóng góp trong việc nghiên cứu một thời đại” - ông Phúc khẳng định.

  

Cần được khảo sát, bảo tồn

 

Theo ông Phúc, qua dịch gia phả của dòng họ Nguyễn ở Cao Lao trước đây, ông phát hiện rằng dòng họ này nổi tiếng có nhiều người làm võ quan. Có gia đình có tới 12 người là tướng lĩnh, được phong hầu. (“Hầu” là tước cao quý, đứng thứ hai trong năm tước hiệu vua ban cho những người có công trạng: công - hầu - bá - tử - nam).

 

“Theo nghiên cứu của tôi, ở Cao Lao có 2 dòng họ lớn là họ Lưu (có hậu duệ nổi tiếng là nhà thơ Lưu Trọng Lư) và họ Nguyễn. Họ Lưu tài về văn chương, còn họ Nguyễn giỏi về võ nghệ. Họ Lưu được sách sử nhắc nhiều, còn họ Nguyễn hầu như chưa thấy. Phải chăng do quan niệm xưa trọng văn hơn trọng võ?” - ông Phúc cho biết.


Phát hiện nhiều sắc phong, tài liệu quý triều Nguyễn - 3
Ông Trương Quang Phúc: "Các sử liệu này có đóng góp trong việc nghiên cứu một giai đoạn lịch sử"

Theo ông Lộc, hiện tại Từ đường họ Nguyễn tại xã Mỹ Trạch còn lưu giữ khá nhiều sử vật giá trị như ấn kiếm, hoành phi vua ban và trong dòng họ của ông có nhiều người biết võ thuật. Đó là những ngón võ gia truyền mà các tiền bối trong dòng họ truyền lại cho con cháu, nhưng đến nay cũng bị mai một nhiều.

 

Bản thân các sử liệu quý mà dòng họ ông đang cung lưu cũng bị hư hại vì thời gian: các tài liệu bằng giấy bị nhàu, rách nát và thất lạc không ít, các bảo vật cũng hư mòn, rỉ sét.

 

“Những sử liệu này, ngoài niềm tự hào của gia tộc họ Nguyễn còn có giá trị lịch sử. Vì vậy chúng tôi mong rằng các đơn vị có chức năng có khảo sát, ghi nhận và bảo tồn trước khi chúng bị hư hại, thất lạc theo thời gian”, ông Lộc kiến nghị.

 

[*], [**]: Theo bản dịch của tác giả Trương Quang Phúc

 

Hồng Kỹ