1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Phát canh - thu tô" ở U Minh Hạ

Đã hơn 20 năm Cà Mau thực hiện chính sách giao đất giao rừng với nhiều hình thức khác nhau, nhằm bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời giải quyết số dân nghèo không một tấc đất do sắp xếp lại đất đai.

Tuy nhiên, cũng chừng ấy năm tỉnh này cũng gần như bỏ phế những cánh rừng tràm, mặc tình cho các lâm ngư trường, Cty lâm nghiệp làm mưa làm gió, làm giàu trên lưng người dân nghèo vùng rừng tràm U Minh Hạ.
 
Mưu sinh ven rừng U Minh Hạ
Mưu sinh ven rừng U Minh Hạ

 

Không nghèo mới lạ

 

Ông Nguyễn Hoài Tâm - nguyên cán bộ Lâm - ngư trường Trần Văn Thời, sống và làm việc tại rừng tràm U Minh Hạ (UMH) hơn 25 năm nay - quả quyết với tôi: Dân sống trong vùng rừng tràm UMH, Cà Mau không nghèo. Sở dĩ nghèo là do cơ chế chính sách của các lâm ngư trường (LNT), Cty lâm nghiệp đặt ra khiến cho người dân phải oằn vai gánh vác.

 

Ông Tâm phân tích các bất hợp lý khiến cho người dân nơi đây khánh kiệt cả sức người lẫn sức của: “Người dân nhận khoán đất rừng theo phương thức liên danh liên kết, mỗi năm ngoài đóng thuế còn phải nộp hàng loạt loại phí. Bất hợp lý nhất là phí cá một năm từ 10 – 14kg/ha thử hỏi dân làm sao sống được”.

 

Dĩ nhiên tôi không tin. Tại buổi “hội thảo khoa học đánh giá các mô hình canh tác và đề xuất giải pháp phát triển bền vững vùng UMH” do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 7.9, các tham luận còn nêu rành rành ra đó: Dân UMH nghèo do họ là những người dân không đất đai, được nhận khoán dưới nhiều hình thức khác nhau trong đợt giải thể HTX nông nghiệp vào năm 1990. Nghèo do trình độ thấp, thiếu phương thức sản xuất...

 

Tuy nhiên, khi cầm trên tay bản chiết tính của ông Phạm Văn Ngọt tôi mới thật sự giật mình. Ông Ngọt nhận 58ha rừng tràm do LNT Trần Văn Thời quản lý theo hình thức liên danh liên kết (LDLK). Năm 2005, hai bên thống nhất xác định công nợ sản cá và phân chia khai thác. Với 58ha rừng tràm do mình quản lý, chăm sóc sau 5 năm bán tràn được 219 triệu đồng thông qua hình thức bán gói thầu. Những tưởng sẽ được chia 70% theo phương thức hợp đồng đã ký kết, nhưng khi tính toán lại, ông Ngọt nhận được chưa đến 9 triệu đồng.

 

Những khoản mà LNT tính toán để mang về phần mình tổng cộng gần 20 triệu đồng bao gồm: Chi phí chung 7.344.000 đồng; thuế KTLS 4%  8.760.000 đồng; thiết kế khai thác 1.079.000 đồng, thiết kế trồng rừng 581.000 đồng, chi phí nghiệm thu 664.000 đồng.

 

Chưa hết, ngoài những khoản LNT thu một cách công khai theo doanh thu, LNT còn thu của ông Ngọt 68.000.000 đồng gọi là tiền khoán sản cá. Không cần biết người dân có nuôi cá được hay không, hằng năm mỗi hécta rừng LNT thu 14kg cá với đơn giá 18.000 đồng/kg.

 

Như vậy mỗi năm ông Ngọt phải trả cho LNT 13.608.000 đồng. Với 5 năm nhận LDLK, ông Ngọt phải trả cho LNT 68.040.000 đồng, gấp 9 lần tiền thuế của Nhà nước theo quy định, gấp 9 lần tiền ông Ngọt thực lãnh sau 5 năm nhận chăm sóc 53ha rừng. Tính ra mỗi năm ông Ngọt thu nhập chưa đến 2,5 triệu đồng cho 53ha!

 

Bực mình, ông không thèm nhận tiền. Kể với tôi chuyện này, ông rớm nước mắt: “Tui chưa thấy nơi nào bóc lột sức lao động của nông dân như rừng UMH. Thử hỏi nhận đến 53ha rừng tôi đã phải bỏ biết bao công sức và tiền bạc vào đây, nhưng cách tính ăn chia như vầy tôi sống sao được? Biết thế này tui đi bẻ bông sậy bán cho người ta làm chổi còn nhiều tiền hơn”. Và ông Ngọt không phải là trường hợp cá biệt cho cách tính toán ăn chia “trời ơi” của LNT.

 

Lạ lùng hơn, tại LNT Sông Trẹm, thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh, người dân còn phải nộp phí khi câu cá dưới sông trước nhà mình. Ông Trần Ngọc Huỳnh cho biết: “LNT thu 2 triệu đồng tiền phí câu cá của 10 người dân ở khu vực này. Bà con nơi đây không ai đủ tiền nộp sản cá hằng năm, đợi đến khai thác LNT mới cấn trừ ngang”.

 

Toàn vùng rừng tràm U Minh Hạ có đến trên 6.000 hộ dân với trên 130.000 dân. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo còn rất cao, theo số liệu thống kê năm 2010 toàn vùng có trên 15% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Ông Huỳnh quả quyết: “Với cách tính theo kiểu “trời ơi” của những ông chủ rừng như vậy, dân không nghèo mới là chuyện lạ”.

 

Buông lỏng quản lý

 

Đem những quy định này hỏi ông Trần Văn Thức - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau - ông Thức trả lời thẳng thừng: “Các khoản thu này đều đúng hết, không có gì sai so với quy định”. Ông Thức lý giải: “Do đây là các hộ LDLK nên không áp dụng bất cứ chính sách nào của Nhà nước đối với việc trồng, quản lý rừng, mà áp dụng theo pháp lệnh thương mại với hợp đồng kinh tế. Trước khi ký, hợp đồng có đọc cho đôi bên cùng nghe, ai chấp nhận thì nhận đất, không chấp nhận thì thôi”.
 
Mưu sinh ven rừng U Minh Hạ
Rừng tràm có giá 40 triệu đồng/ha được Cty UMH mua của người dân 16 triệu đồng/ha, khiến cho người dân càng trồng càng lỗ vốn.

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những người dân nhận đất rừng theo chương trình giao đất giao rừng; chương trình phát triển rừng; chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc tình trạng cũng tương tự. Người dân không được hỗ trợ giống, công chăm sóc, giữ rừng theo quy định của Chính phủ.

 

Người dân nhận khoán đất giữ rừng, nhận LDLK hết hạn hợp đồng được quyền khai thác đã bị Cty TNHH MTV U Minh Hạ (Cty UMH) làm khó đủ điều. Ông Ngô Văn Vĩnh - xã Khánh Thuận, huyện U Minh - nhận 20ha rừng tràm chăm sóc theo phương thức LDLK. Đầu năm 2010, Cty UMH thông báo đến hạn khai thác đợt đầu. Không hiểu tính toán trữ lượng kiểu gì mà 20ha rừng tràm dày đặc tổng doanh thu chỉ 70 triệu đồng. Ông Vĩnh được chia 19 triệu đồng.

 

Bực mình, ông lội vào rừng đo đếm từng gốc tràm và xin mua lại toàn bộ số tràm do mình trồng. Lúc đầu, Cty UMH  không cho, nhưng nghe ông dọa đi thưa kiện nên Cty UMH đành chấp nhận. Không ngờ sau khi thu hoạch 20ha tràm ông bán được 150 triệu đồng, trừ các khoản chi phí và tính toán ăn chia với Cty UMH ông đem về được 80 triệu đồng.

 

Nguyên nhân dẫn đến việc này là Cty UMH tính trữ lượng tràm thấp hơn nhiều so với thực tế; giá bán cũng thấp hơn giá thị trường, trung bình 1ha tràm trên 16 triệu đồng; trong khi ông Vĩnh tự khai thác, tự tìm người mua với giá 40 triệu đồng/ha.

 

Một nghịch lý khác tại rừng UMH là dù diện tích rừng liên tiếp bị thu hẹp, nhưng Cty UMH lại không cho người dân trồng lại rừng. Ông Huỳnh Văn Tửng, cùng một số bà con nhận gần 1.000ha tại ấp 16, xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết: “Năm 2006 tôi trồng lại rừng sau khai khác, Cty UMH không cho. Thấy đất trống uổng quá tôi mua giống về trồng bị người của Cty UMH lập biên bản không cho trồng. Tức mình tui bàn với mấy anh em lén lút trồng được 10.000 cây keo lai”.

 

Thấy tôi ngạc nhiên, ông lý giải: “Mình trồng trong ruột, người của Cty UMH kiểm tra không thấy vì họ chạy xuồng ngoài kinh lớn nhìn vào toàn chuối với sậy”. Nhờ vậy mà hiện nay cánh rừng “lén” của ông Tửng đã được hơn 5 năm tuổi xanh mượt.

 

Giải thích về việc lạ lùng này, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Giám đốc Cty UMH - phân trần: “Đúng là Cty UMH có cấm người dân khu LDLK trồng lại rừng, nhưng đây là chủ trương của tỉnh. Tỉnh có chủ trương giao toàn bộ phần đất LDLK tại khu vực LNT Sông Trẹm cũ cho doanh nghiệp tại TPHCM trồng rừng sản xuất làm nguyên liệu giấy nên chúng tôi không cho dân trồng tràm theo phương thức cũ nữa”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ năm 2008, tỉnh Cà Mau đã có chủ trương trồng rừng bán thâm canh năng suất cao trên diện tích đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, cho đến nay cũng mới dừng lại ở chủ trương. Dù vậy đến nay có đến gần 10 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh đã trồng rừng nguyên liệu (chủ yếu là keo lai) với diện tích gần 1.000ha. Báo cáo chính thức của Cty UMH đến ngày 2.8 các DN đã trồng 483,7ha rừng keo lai.

 

Ngoài ra, theo chủ trương (cũng chỉ dừng lại ở chủ trương) Cà Mau giao trên 1.300ha đất cho các DN thuê đất trồng rừng, dù đến nay các DN này chưa lập xong phương án. Dĩ nhiên, toàn bộ diện tích này đều nằm trong phần đất các hộ nhận LDLK và các hộ nhận giao khoán đất rừng. Trong khi đó, những hộ LDLK không được nhận lại đất để tiếp tục đầu tư. Dân chẳng biết kêu ai nên “bám trụ” không chịu giao đất cho các DN. Trước sức ép của dân, ngày 19.3 UBND tỉnh có văn bản đề nghị cho các hộ dân LDLK có điều kiện tiếp tục LDLK trồng rừng bán thâm canh.

 

Tuy nhiên, văn bản này lại giao toàn quyền cho Cty UMH bàn bạc cách tính LDLK, ăn chia sau thu hoạch... Cụ thể, người dân tự bỏ 100% vốn đầu tư, sau 4 chu kỳ trồng rừng (mỗi chu kỳ 6 năm) mỗi hécta họ bỏ ra gần 80 triệu đồng, lợi nhuận 161 triệu đồng, trong khi Cty UMH bỏ ra 2,4 triệu đồng (tiền công chăm sóc)  thu về đến gần 80 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản thuế, phí khác mà người nhận đất LDLK phải trả cho Cty UMH tổng số trên 60 triệu đồng.

 

Nghĩa là họ có nguy cơ bị ràng buộc bởi những khoản phí “trời ơi” từ cách tính LDLK trước đây, bất chấp những quy định của Chính phủ về giao đất giao rừng, sắp xếp đổi mới các LNT. Lạ lùng hơn là cách tính này lại được Sở NNPTNT Cà Mau đồng tình và UBND tỉnh không hề biết.

 

Một chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh Cà Mau đang bị lợi dụng để phát  phát canh thu tô, làm giàu trên lưng người nghèo và có nguy cơ đẩy người dân U Minh Hạ đến bước đường...

 

Theo Nhật Hồ

Lao Động